Xã viên Hợp tác xã chè La Bằng (huyện Đại Từ) thu hái chè sản xuất hữu cơ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Ông Dương Sơn Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, các hộ gia đình tham gia sản xuất chè hữu cơ chủ yếu là các hộ có kinh nghiệm sản xuất, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, nhân lực lao động, đảm bảo vốn đối ứng dự án và cũng là các hộ sản xuất chủ chốt của một số hợp tác xã sản xuất, chế biến chè tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: Thịnh An (huyện Đồng Hỷ), La Bằng (huyện Đại Từ), Tức Tranh (huyện Phú Lương)... Diện tích sản xuất chè hữu cơ được xây dựng trên cơ sở diện tích chè đã áp dụng quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ được thực hiện theo cơ chế: ngân sách nhà nước hỗ trợ 40% chi phí phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn chuyển giao, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, thiết kế bao bì sản phẩm, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các hộ tham gia mô hình đối ứng 60% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Xã viên Hợp tác xã chè La Bằng (huyện Đại Từ) kiểm tra cây giống phục vụ việc sản xuất chè sản xuất hữu cơ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Bước đầu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã khảo sát, đánh giá lựa chọn vùng sản xuất hữu cơ về các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học và vật lý; lấy mẫu đất, nước để kiểm nghiệm làm cơ sở đánh giá mức độ ô nhiễm hóa học, sinh học so với quy định hiện hành. Trên cơ sở định mức sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ tham gia dự án thực hiện chuyển đổi 50% định mức phân bón hóa học N - P - K sang phân bón hữu cơ, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc.... Theo lộ trình đề ra, thời gian chuyển đổi diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sang sản xuất hữu cơ bắt đầu từ tháng 6/2019 và kết thúc vào năm 2021, đảm bảo khi hoàn thành dự án, toàn bộ diện tích sản xuất chè hữu cơ không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận hữu cơ Việt Nam cho sản phẩm chè.
Sản phẩm chè hữu cơ của gia đình chị Nguyễn Thị Hải, chủ nhiệm Hợp tác xã chè La Bằng (huyện Đại Từ). Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Hiện tại, các khu vực sản xuất chè hữu cơ đã được khoanh vùng và lên sơ đồ, cắm biển tại mỗi điểm mô hình, phân định các lô sản xuất; xây dựng vùng đệm, hàng rào vật lý tách biệt giữa sản xuất hữu cơ và sản xuất thông thường... Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện tổng diện tích chè của tỉnh là hơn 22.000 ha; trong đó, diện tích cho sản phẩm hơn 19.600 ha, năng suất bình quân đạt 117 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm khoảng 230.000 tấn. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại gần 2.200 ha chè, hầu hết diện tích được trồng mới bằng các giống chè chất lượng cao như: chè LDP1, Kim Tuyên, TRI 777... góp phần đưa cơ cấu giống chè mới toàn tỉnh lên hơn 16.000 ha, chiếm 74,2% so với tổng diện tích chè toàn tỉnh. Đặc biệt, đến nay, tổng diện tích sản xuất chè an toàn của Thái Nguyên đã đạt hơn 5.100 ha, chiếm 26% diện tích chè kinh doanh, trong đó diện tích sản xuất chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận hơn 2.000 ha. Sản xuất chè đảm bảo sản phẩm an toàn có giá trị sản xuất và thu nhập cao hơn so với sản xuất thông thường từ 15 đến 20%, giá trị sản phẩm trên mỗi ha đất trồng chè bình quân đạt khoảng 125 triệu đồng/ha/năm. Với xu hướng tiêu dùng và nhu cầu thị trường hiện nay, việc sản xuất chè hữu cơ có thể giúp người trồng chè ở các vùng chè đặc sản nổi tiếng ở Thái Nguyên có thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm...
Hoàng Thảo Nguyên