Chỉ dấu về tác động của con người đối với Trái Đất

Chỉ dấu về tác động của con người đối với Trái Đất

Những lớp trầm tích và cặn lắng dưới đại dương ở vịnh Beppu ở Nhật Bản có thể chứa đựng bằng chứng cho thấy con người đã thay đổi thế giới xung quanh mình như thế nào.

Vịnh Beppu nằm trong số những địa điểm được coi là "điểm vàng" (golden spike) cung cấp bằng chứng rõ rệt về một thời đại địa chất mới định hình qua các loài động thực vật: kỷ nguyên nhân sinh mới (Anthropocene).

Các nhà khoa học đã trải qua một quá trình kéo dài và đầy tranh cãi để có thể đi đến thống nhất về một thời đại mới. Ví dụ, các nhà khoa học trong nhiều năm qua đã tranh cãi liệu có phải kỷ nguyên Holocene được hình thành cách đây 11.700 năm đã thực sự được thay thế bởi một giai đoạn mới được định hình bởi sự tác động của con người đối với Trái Đất hay không. Những bằng chứng chính được đưa ra trong các cuộc thảo luận như vậy là việc lựa chọn một địa điểm để thu thập thông tin rõ ràng về cách thức loài người thay đổi môi trường sống của mình, từ việc tiến hành các vụ thử hạt nhân gây ô nhiễm môi trường đến việc xả vi nhựa ra môi trường.

Có 12 địa điểm trên thế giới đã được đề xuất là các "điểm vàng", trong đó có khu vực đất than bùn ở Ba Lan, rạn san hô ở Australia, vịnh Beppu ở tỉnh Oita thuộc Tây Nam Nhật Bản.

Phó Giáo sư Michinobu Kuwae tại Trung tâm nghiên cứu biển thuộc đại học Ehime đã nghiên cứu lĩnh vực này trong gần một thập kỷ qua. Ông Kuwae bắt đầu nghiên cứu biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến quần thể cá như thế nào, theo đó nghiên cứu sự lắng đọng của các lớp trầm tích vảy cá để biết được những chỉ dấu về những gì xảy ra trong quá khứ. Gần đây ông Kuwae mới bắt đầu coi vịnh Beppu là một "điểm vàng" tiềm năng do có nhiều "dấu vết nhân tạo, bao gồm các hóa chất nhân tạo và hạt nhân phóng xạ, phân lớp trong trầm tích của vịnh". Ông Kuwae giải thích thêm các lớp này cho phép các nhà khoa học xác định được "thời gian và sự phân chia ranh giới chính xác giữa kỷ nguyên Anthropocene và kỷ nguyên Holocene".

Theo giải thích của Giáo sư Yusuke Yokoyama tại Viện Nghiên cứu Đại dương và Khí quyển của Đại học Tokyo, người đã phân tích các mẫu cốt lõi từ vịnh, sự bảo tồn hoàn hảo đó là kết quả của một số đặc điểm độc đáo. Ông Yusuke giải thích thêm đáy vịnh sụt xuống nhanh chóng so với bờ biển, tạo ra một lưu vực lưu trữ lắng cặn và việc thiếu oxy có nghĩa là không có sinh vật nào làm xáo trộn lớp trầm tích hoặc phá vỡ lớp trầm tích.

Lớp trầm tích của vịnh Beppu bao gồm nhiều loại trầm tích và cặn lắng đa dạng, từ nước thải chứa phân bón, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp đến những lớp trầm tích từ các trận lũ lụt xảy ra trước đây cũng như vảy cá và nhựa.

Nguyễn Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm