Cảnh báo về sự bất bình đẳng trong phát thải khí carbon

Cảnh báo về sự bất bình đẳng trong phát thải khí carbon

Một nghiên cứu mới được công bố ngày 21/9 cho thấy 1% số người giàu nhất thế giới phát ra khí thải carbon cao gấp 2 lần so một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu, khoảng 3,1 tỷ người. 

Cảnh báo về sự bất bình đẳng trong phát thải khí carbon  ảnh 1Ô tô di chuyển trên đường phố tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy lượng khí thải carbon đã giảm mạnh trong thời kỳ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, nhưng nhiệt độ Trái Đất vẫn trên đà tăng thêm vài độ trong thế kỷ này, đe dọa gây ra những thảm họa thiên nhiên và ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống tại những nước nghèo và đang phát triển, trong đó nhiều người dân lâm vào cảnh mất nhà ở.

Kết quả nghiên cứu do Viện Môi trường Stockholm thực hiện dưới sự ủy quyền của tổ chức Oxfam, cho thấy trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2015, lượng khí thải tăng thêm tới 60%, thì phần tăng khí phát thải từ 1% người giàu nhất trên Trái Đất cao gấp 3 lần lượng tăng khí phát thải từ 50% người nghèo nhất. Ngoài ra, các quốc gia giàu có cũng đã ngốn tới 1/3 "ngân sách carbon" của Trái Đất.

Ngân sách carbon là giới hạn phát thải khí nhà kính tích lũy mà nhân loại có thể kiểm soát, trước khi không thể tránh khỏi mức nhiệt gia tăng thảm khốc.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy riêng 63 triệu người - 1% số người giàu có trên thế giới - đã phát thải ra 9% ngân sách carbon kể từ năm 1990, thậm chí 10% người giàu nhất thế giới (tức khoảng 630 triệu người) phát thải bằng 52% lượng carbon toàn cầu trong 25 năm, tức là ngang với 90% số người còn lại trên thế giới.

Phát biểu với báo giới, ông Tim Gore - Giám đốc phụ trách vấn đề chính sách, vận động và nghiên cứu của Oxfam - cho biết: “Điều này không chỉ gây nên sự bất bình đẳng kinh tế cực đoan gây chia rẽ trong xã hội của chúng ta, mà nó còn trì hoãn các nỗ lực xóa nghèo trên thế giới. Bên cạnh đó, cái giá thứ 3 phải trả đó họ đã làm cạn kiệt ngân sách carbon".

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 yêu cầu các quốc gia sẽ cùng hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi thỏa thuận trên được ký kết đến nay, lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng và nhiều phân tích đã cảnh báo rằng nếu nền kinh tế toàn cầu không được cơ cấu lại với ưu tiên vào tăng trưởng xanh, thì việc lượng khí thải carbon giảm mạnh trong thời kỳ COVID-19 cũng chỉ là vô nghĩa.

Cho đến nay, khi nhiệt độ Trái Đất mới chỉ tăng thêm 1 độ C, hành tinh của chúng ta đã phải đối mặt với những trận cháy rừng, hạn hán và siêu bão thường xuyên và dữ dội hơn do nước biển dâng mạnh hơn. Theo chuyên gia Gore, các chính phủ cần đặt những thách thức song song là tình trạng biến đổi khí hậu và sự bất bình đẳng trong phát thải khí carbon vào trọng tâm của bất kỳ kế hoạch phục hồi nào hậu COVID-19.

Bình luận về báo cáo của Oxfam, ông Hindou Oumarou Ibrahim - một nhà hoạt động môi trường và là Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ và Người bản địa Chad, cho rằng không thể giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu nếu không ưu tiên bình đẳng kinh tế. Ông Ibrahim nêu rõ: “Những người dân bản địa ở khu vực tôi sống từ lâu đã phải chịu đựng gánh nặng từ sự tàn phá môi trường. Bây giờ là lúc để lắng nghe, tích hợp kiến thức của chúng ta, và ưu tiên cứu lấy thiên nhiên để cứu rỗi chính chúng ta".

Văn Phong

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm