Bảo vệ môi trường: CO2 tác động mạnh đến vòng đời của cây

Bảo vệ môi trường: CO2 tác động mạnh đến vòng đời của cây

Ngày 8/9, các nhà khoa học công bố một nghiên cứu cho thấy những cây lớn càng nhanh thì vòng đời càng ngắn, dẫn đến việc giảm tỷ lệ hấp thụ carbon của rừng. Đây là thách thức lớn trong tương lai khi các nhà khoa học kỳ vọng các khu rừng sẽ giúp hấp thụ phần lớn lượng khí thải đang là nguyên nhân khiến khí hậu toàn cầu ấm lên.

Các cây trồng hấp thụ lượng lớn khí CO2 thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch giảm lượng khí thải trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu nhận định với mô hình khí hậu hiện nay, các khu rừng tiếp tục hấp thụ carbon, khi nhiệt độ cao và mật độ CO2 lớn sẽ kích thích cây tăng trưởng, từ đó cây lớn nhanh và hấp thụ nhiều carbon hơn.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu do Đại học Leeds (Anh) tiến hành và đăng trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học cảnh báo rằng chính sự tăng trưởng nhanh có liên hệ mật thiết với việc cây chết sớm, theo đó rừng càng hấp thụ nhiều carbon thì vòng đời thực vật càng ngắn. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hơn 200.000 dữ liệu thống kê về tuổi cây thuộc nhiều loài khác nhau trên khắp thế giới, và phát hiện ra mối liên hệ bù trừ giữa tăng trưởng và vòng đời của tất cả các loại cây, bao gồm cả các cây nhiệt đới. Đồng tác giả nghiên cứu Steve Voelker, thuộc Đại học bang New York (Mỹ) đánh giá trong những thập kỷ qua, môi trường đã được lợi nhiều từ việc tăng khả năng hấp thụ carbon của các khu rừng. Tuy nhiên, chính xu hướng tăng tỷ lệ hấp thụ carbon lại khiến những cây tăng trưởng chậm và sống lâu bị thay thế bởi các cây lớn nhanh và yếu hơn. Nguy cơ cây chết sẽ tăng nhanh khi sinh trưởng đến kích cỡ tối đa. Bên cạnh đó, các nhà khoa học không loại trừ yếu tố cây lớn nhanh thì sẽ giảm khả năng phát triển cơ chế chống lại sâu bệnh và hạn hán.

Tuy nhiên, nhà sinh thái Keith Kirby của Đại học Oxford (Anh) cho rằng tình trạng trên sẽ không xóa bỏ vai trò hấp thụ carbon của rừng. Theo nhà nghiên cứu này, thay vì chờ đợi cây tăng trưởng nhanh để duy trì và tăng khả năng hấp thụ carbon, con người có thể làm chậm lại quá trình phá rừng và tăng diện tích rừng một cách bền vững.

Nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất đã tăng hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, điều này sẽ dẫn đến tình trạng hạn hán, nắng nóng, siêu bão, nước biển dâng nghiêm trọng hơn.

Các khu rừng trên toàn thế giới, đặc biệt là rừng nhiệt đới, hấp thụ tới 25%-30% lượng khí CO2 mà con người thải ra khí quyển. Theo Tổ chức Giám sát rừng toàn cầu, năm ngoái, trung bình cứ 6 giây có một khu vực cây nguyên sinh có diện tích bằng một sân bóng đá bị phá hủy, tương đương tổng diện tích lên tới 38.000km2.

Đặng Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm