Giảm chi phí, tăng năng suất
Vào thời điểm này, những cánh đồng tại xã Giao Hải đã thu hoạch xong, chỉ còn lại các gốc rạ. Trong khi tại các địa phương khác, cứ đến mùa gặt là xóm làng lại bị bủa vây bởi khói đốt rơm rạ, ô nhiễm không khí thì tại đây, không khí rất trong lành. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng mới thu hoạch xong, ông Đặng Chính (xóm 14, xã Giao Hải) vui mừng cho biết, nhà ông cấy hai sào ruộng (1 sào bằng 360 m2) nhưng nhờ áp dụng công nghệ canh tác mới mà sâu bệnh ít hơn hẳn, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng giảm đáng kể trong khi năng suất tăng từ hơn 2 tạ lên gần 3 tạ/sào và tuyệt nhiên không đốt một chút rơm rạ nào. “Khi thu hoạch xong, chúng tôi sử dụng chế phẩm vi sinh, cày lật đất thì vi sinh sẽ xử lý những gốc rạ thành lớp phân bón cho đồng ruộng, không phải đốt như trước nữa, sau 15 - 20 ngày có thể làm đất cấy vụ mới”, ông Chính cho biết.
Ông Chính bên thửa ruộng “giảm phát thải” của mình.
|
Gia đình ông Chính là một trong các hộ nông dân ở Giao Hải canh tác lúa theo quy trình làm giảm phát thải khí nhà kính. Bà Đỗ Thị Thúy Ngân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Nam Định cho biết, đây là mô hình canh tác lúa hiệu quả, bền vững, giảm phát thải của Dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với tỉnh Nam Định thực hiện tại một số huyện chịu ảnh hưởng BĐKH. Bà con được hướng dẫn cấy lúa thưa hơn, từ đó giảm lượng phân bón, giảm công lao động. Phương pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp giúp người dân theo dõi thời gian phát dịch, chỉ xử lý phòng trừ sâu bệnh khi đến ngưỡng nên lượng thuốc trừ sâu được giảm hẳn.
“Người dân giảm được từ 4 - 6 kg phân urê so với cách bón phân thông thường (trước đây từ 18 - 20 kg/sào), rơm rạ lại được tận dụng làm phân hữu cơ bón ruộng. So với các ruộng canh tác theo phương thức cũ, cây lúa ở ruộng giảm phát thải có thân cứng cáp và đứng hơn, bông lúa hạt màu sáng, tỉ lệ lép thấp. Với tỷ lệ thuốc trừ sâu, phân bón giảm đã giúp đảm bảo chất lượng giống lúa tốt”, bà Ngân cho biết.
Thay đổi phương thức sản xuất
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, Nam Định có gần 81.000 ha đất trồng lúa. Do ảnh hưởng của BĐKH, hạn hán kéo dài kết hợp với triều cường đã làm cho nhiều diện tích đất canh tác của các huyện ven biển bị nhiễm mặn. Trong đó, 3 huyện ven biển là Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng có khoảng 12.000 ha đất canh tác bị nhiễm mặn. Đất ruộng bị nhiễm mặn khiến cho nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đồng ruộng bị nhiễm mặn nặng nên không có khả năng canh tác. Do đó, việc áp dụng giống lúa mới và phương thức canh tác mới đã đem lại hiệu quả cao, giúp người dân ổn định sản xuất.
Để phát triển mô hình này, USAID đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư Nam Định tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tại các thôn, xóm. Thành viên nhóm này sẽ là nòng cốt để tổ chức những nhóm nhỏ, tập huấn cho nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, góp ý để mô hình trở thành của chính người nông dân.
Tại xã Giao Hải, mô hình sản xuất lúa thích ứng BĐKH đã đem lại hiệu quả cao. Từ vài héc ta trồng thử nghiệm trong vụ mùa 2015, đến vụ mùa 2016 xã Giao Hải đã có hơn 100 ha được sản xuất theo mô hình sản xuất lúa giảm phát thải. Ông Trần Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hải cho biết, người dân đã thấy được lợi ích từ mô hình này nên đăng ký tham gia ngày càng đông. Tại xóm 15, 16 tới 80% số hộ đăng ký áp dụng trong vụ này. “Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn gồm 60 học viên ở tất cả thôn xóm trong xã, đây sẽ là lực lượng nòng cốt hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình”, ông Cảnh cho hay.
Ông Nguyễn Công Chức, Trưởng Hợp phần thích ứng của dự án cho biết, khi canh tác theo mô hình này người dân giảm nhiều loại chi phí, công sức chăm bón, giúp bảo vệ môi trường, đất đai. Đặc biệt, giảm bớt một lượng lớn các loại khí thải độc hại như SO2, CO2, Ni tơ… trong quá trình bón phân, phun thuốc trừ sâu và đốt rơm rạ. Trong quá trình sản xuất, chính người nông dân đã nhận định phương thức sản xuất không hề khó, năng suất lúa cao hơn và chất lượng lúa tăng lên trong khi chi phí sản xuất lại giảm đi.
“Phương thức canh tác cũ của người dân không dễ gì thay đổi, nhưng khi nhận thức được nâng cao, họ sẽ chủ động thay đổi sang phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, thay thế các hóa chất bảo vệ thực vật và các loại phân hóa học có tác động xấu đến môi trường. Đây là mục tiêu mà các địa phương đang hướng tới và sẽ là xu hướng sản xuất trong tương lai”, ông Chức khẳng định.