Cân nhắc khi nhân rộng mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập

Cân nhắc khi nhân rộng mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập
Hiệu quả tích cực
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) là một trong những đơn vị đang triển khai mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.
Cô và trò Trường Tiểu học Lương Định Của, Quận 3 cùng sinh hoạt lớp trong ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Cô và trò Trường Tiểu học Lương Định Của, Quận 3 cùng sinh hoạt lớp trong ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Đánh giá về hiệu quả việc triển khai mô hình này, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du chia sẻ, sau hơn hai năm triển khai mô hình, kết quả dạy và học của nhà trường được nâng lên rõ rệt, trường nằm trong top 100 trường có kết quả học tập tốt nhất cả nước.
 
Mô hình này có ưu điểm, sĩ số học sinh/lớp thấp nên giáo viên có nhiều thời gian hướng dẫn học sinh (30 học sinh/lớp), đồng thời các phương tiện dạy học, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng hiện đại, đúng chuẩn.

Ngoài chương trình chung của Bộ, điểm nổi bật của mô hình này là tăng cường học tiếng Anh với người nước ngoài và các hoạt động giáo dục kỹ năng. Điều này giúp học sinh hứng thú, chủ động trong học tập.
 
Từ thực tiễn triển khai, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết, với mô hình này, người thầy không chỉ đơn thuần đứng lớp giảng dạy theo cách truyền thống, mà còn có vai trò là người tổ chức hoạt động học tập. Để mô hình này thực sự hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ giáo viên ngoài chuyên môn giỏi phải có sự chủ động, tích cực, sáng tạo trong tổ chức hoạt động học tập nhằm thu hút học sinh.

Thực tế, yêu cầu đặt ra rất cao nhưng chính sách hỗ trợ chung cho giáo viên dạy học theo mô hình này lại chưa có. Tùy theo sự linh hoạt của nhà trường mà có mức hỗ trợ cho từng giáo viên trong mỗi hoạt động học tập được tổ chức. Điều này chưa tạo động lực phấn đấu cho giáo viên.
 
Ngoài những khoản đóng góp theo quy định, học sinh tại các trường thực hiện mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập, sẽ đóng thêm với mức tối đa 1,5 triệu/tháng để tổ chức các hoạt động giáo dục (tùy trường).

Mô hình này được xem là cơ sở thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mạnh hơn, huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, từ đó các trường có điều kiện sẽ chuyển qua mô hình tự chủ hoàn toàn. Điều này vừa góp phần giảm gánh nặng ngân sách dành cho giáo dục vừa giúp nhà trường chủ động chi trả lương tương xứng với năng lực của giáo viên.
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai từ năm học 2006 - 2007 với nhiều tiêu chí tương ứng với từng bậc học như về sĩ số học sinh/lớp, chuẩn cơ sở vật chất, đội ngũ…

Với những tín hiệu tích cực trong quá trình thực hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã nhân rộng và hiện đang triển khai mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập tại hơn 60 trường từ bậc mầm non đến trung học phổ thông.

Mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, yêu cầu của xã hội, tiếp cận với giáo dục ở các nước trong khu vực, quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo mang đậm bản sắc dân tộc.
 
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mô hình này có tác động tốt đến học sinh, sĩ số học sinh/lớp là 30 em, thầy cô có thể quan tâm, tương tác với từng học sinh. Hơn nữa, cùng với việc học theo chương trình chung của hệ đại trà, học sinh tham gia mô hình này được học với giáo viên bản ngữ, học chương trình Toán, khoa học bằng tiếng Anh.

Các hoạt động học tập khác cũng được thiết kế phù hợp với năng lực, sự phát triển tâm sinh lý của học sinh. Các em được học trong trường, học bên ngoài nhà trường, giao lưu hợp tác quốc tế và phát triển các kỹ năng, năng lực khác. Với những kết quả đạt được, mục tiêu sắp tới sẽ xây dựng các trường theo mô hình này được tự chủ toàn phần.
 
Cân nhắc khi nhân rộng
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Quận 4 cho rằng, với ưu điểm cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đội ngũ trên chuẩn, chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao, việc thực hiện theo mô hình trường học tiên tiến, hội nhập là định hướng được nhiều trường hướng đến. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Điển hình, địa bàn Quận 4 có quy mô trường, lớp chưa đồng đều, nhiều phường chưa có trường tiểu học. Áp lực giải quyết chỗ học cho học sinh là điều các trường luôn gặp phải nên khó có thể đảm bảo sĩ số 30 học sinh/lớp theo quy định.

Nếu tập trung đầu tư cho một trường theo mô hình tiên tiến, theo xu thế hội nhập, đảm bảo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, nhất là đảm bảo về sĩ số học sinh/lớp, trong điều kiện học sinh ngày càng tăng như hiện nay sẽ tạo thêm áp lực, dồn học sinh về những trường khác trong khu vực. Như vậy, khó có thể đảm bảo chất lượng học tập cho các trường này.
 
Hơn nữa, ngoài các khoản thu theo quy định chung, học sinh tại các trường triển khai mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập, sẽ đóng thêm mức phí hàng tháng tối đa 1,5 triệu đồng.

Một số ý kiến cho rằng, đây là khoản chi phí không nhỏ với nhiều gia đình. Điều này dẫn đến bất cập, học sinh được vào trường theo đúng tuyến nhưng khả năng tài chính của gia đình lại không đủ để theo học mô hình này nên phải chuyển qua trường khác xa hơn.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, trong điều kiện học sinh tăng nhanh mỗi năm, mục tiêu chung của thành phố là phải đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn.

Thực tế, hiện nay áp lực về cơ sở vật chất trường lớp của thành phố là rất lớn. Để đảm bảo chỗ học cho học sinh, nhiều trường phải tăng sĩ số/lớp. Ngay cả việc đáp ứng chuẩn cơ sở vật chất theo quy định của chương trình đại trà cũng khó khăn, việc thực hiện nhân rộng mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập, phải cân nhắc với lộ trình hợp lý.
 
Triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2018 - 2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện trường học theo mô hình tiên tiến, hội nhập tại tất cả các cấp học, bậc học.

Thành phố khuyến khích mỗi quận, huyện xây dựng từ 1-3 trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập. Tuy nhiên, trước những khó khăn từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc trước khi nhân rộng mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập./.
  Thu Hoài
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm