Chăm sóc gừng trồng trên đất lúa 1 vụ trước đây ở xã Phú Thạnh. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Những địa bàn chuyển đổi từ lúa sang màu nhiều nhất là xã ven biển: Tân Điền, Tân Thành, Bình Ân, Bình Nghị huyện Gò Công Đông; Phú Thạnh, Phú Đông huyện Tân Phú Đông. Các loại rau màu đa dạng: rau ăn lá, khổ qua, bầu, bí, mướp, dưa hấu; trong đó, dưa hấu Tân Thành (Gò Công Đông) và dưa hấu Phú Đông (Tân Phú Đông) là thương hiệu nổi tiếng của địa phương, chất lượng ngon và thị trường ưa chuộng.
Tiền Giang xây dựng Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cây trồng và mùa vụ các huyện phía Đông”; trong đó, Gò Công Đông là huyện trọng điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, năm 2019, địa phương có kế hoạch mở rộng diện tích rau màu lên 10.300 ha, sản lượng thu hoạch trên 175.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, năm 2019, địa phương trồng khoảng 200 ha rau màu, chủ yếu tại các xã ven biển nằm trong dự án ngọt hóa Phú Thạnh – Phú Đông là: Phú Thạnh, Phú Đông. Đây là những xã thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên gặp thiên tai, từ 6 - 9 tháng trong năm bị xâm nhập mặn, thiếu nước tưới tiêu trầm trọng.
Theo khảo sát của ngành chức năng, trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 4 lần so với trồng lúa độc canh. Đặc biệt, dưa hấu nông dân thu lãi ròng gần 52 triệu đồng/ ha, cao gấp 4 lần so trồng lúa; rau ăn lá thu lãi ròng trên 40 triệu đồng/ha, cao gấp 3,2 lần lúa năng suất cao.
Các huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông hoàn thiện mạng lưới kênh mương, thủy lợi nội đồng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu kết hợp với khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật canh tác và xây dựng, nhân rộng mô hình hiệu quả để nông dân học tập, áp dụng.
Minh Trí