Người M’nông dùng lá đinh lăng giã cùng cá suối tạo ra món ăn ngon miệng, hấp dẫn, độc đáo. Người M’nông còn xem đây là một món ăn tốt cho sức khỏe.
Cách chế biến món cá suối giã lá đinh lăng tương đối đơn giản. Chính vì vậy, món ăn này cũng thường xuyên được chế biến trong bữa cơm đời thường của nhiều gia đình. Người M’nông thường dùng các loại cá nước ngọt bắt được ở suối, sông, đồng ruộng để chế biến như cá lăng, cá trê, cá chép, cá trắng, cá vượt, cá mè dinh, cá rô phi… Cá được sơ chế bỏ ruột và mang cá, phần vẩy, bóng cá được giữ nguyên. Những con cá tươi rói được rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi đem chiên trên dầu nóng. Khi chiên để lửa nhỏ và vừa, trở đều hai mặt cá đến độ chín vàng ươm, lớp da cá bên ngoài giòn ruộm. Cá chiên xong đem bóc tách lấy phần thịt, bỏ xương.
Nguyên liệu quan trọng thứ hai là lá đinh lăng. Với kinh nghiệm tích lũy bao đời, người M’nông xem lá đinh lăng như dược liệu quý, chứa rất nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa, bồi bổ cơ thể… Ngày nay, nhiều gia đình M’nông trồng đinh lăng trong vườn nhà để tiện làm thuốc và chế biến món ăn. Để chế biến món ăn này, người M''nông chọn hái những lá đinh lăng không quá non cũng không quá già. Lá được bỏ phần cuống, cho vào cối dùng chày giã nát.
Sau khi phần lá đinh lăng nát nhuyễn, gia vị cho chút muối, bột ngọt vào giã đều và cho thêm ớt chín hoặc xanh vào cối tiếp tục giã nát thành hỗn hợp muối ớt và lá đinh lăng. Những gia đình M’nông ưa thích ăn cay sẽ cho nhiều ớt. Ớt dùng phải là ớt rừng hoặc ớt xiêm, ớt chỉ thiên. Cuối cùng mới cho phần thịt cá đã chuẩn bị sẵn hỗn hợp trên giã cho các nguyên liệu quyện vào nhau.
Cá suối giã lá đinh lăng là một món khô, có màu xanh của lá đinh lăng pha màu trắng của cá. Cá chiên thơm ngon, thịt chắc, giòn hòa cùng mùi thơm lá đinh lăng làm mất đi vị tanh của cá… Món ăn có vị mằn mặn vừa đủ, đậm đà, ăn kèm cùng bát cơm nóng hổi dẻo thơm hay khúc cơm lam, xôi nếp vô cùng ngon miệng.
Theo baodaknong.org.vn
Tên tự gọi: Mnông.
Nhóm địa phương: Mnông Gar, Mnông Nông, Mnông Chil, Mnông Kuênh, Mnông Rlâm, Mnông Preh, Mnông Prâng, Mnông Ðíp, Mnông Bhiêt, Mnông Sitô, Mnông Bu Ðâng, Mnông Bu Nor, Mnông Bu Ðêh...
Dân số: 102.741 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Lịch sử: Người Mnông là cư dân sinh tụ lâu đời ở miền trung Tây Nguyên nước ta.
Hoạt động sản xuất: Người Mnông trồng lúa nương trên rẫy bằng phương pháp "đao canh hoả chủng": phát, đốt rồi chọc lỗ tra hạt; thu hoạch theo lối tuốt lúa bằng tay. Họ trồng lúa nước bằng phương pháp "đao canh thuỷ nậu" trên những vùng đầm lầy, dùng trâu để quần ruộng cho nhão đất rồi gieo hạt, không cấy mạ như ở đồng bằng. Ðiều đáng lưu ý là vai trò của cái cuốc trong nền nông nghiệp cổ truyền Mnông. Ði đôi với nền sản xuất nông phẩm, việc săn bắn, hái lượm còn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Sản xuất thủ công nghiệp gia đình phổ biến là nghề đan đồ gia dụng bằng nguyên liệu mây, tre, lá; thứ đến là nghề trồng bông dệt vải do phụ nữ đảm nhiệm. Trong mỗi làng còn có một số người biết làm gốm thô, nặn bằng tay và nung lộ thiên. Sản phẩm là nồi đất các loại, bát ăn cơm và vò, hũ. Nghề rèn nông cụ không được phát triển lắm trong các vùng Mnông. Ðặc biệt ở vùng Buôn Ðôn, cư dân có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Cho đến nay nghề này vẫn được tiếp tục duy trì tuy số voi săn bắt được hàng năm đã giảm đi đáng kể.
Ăn: Họ ăn cơm gạo tẻ nấu trong những nồi đất nung, xa xưa thì phổ biến là cơm lam (gạo nếp nấu trong ống nứa). Bữa ăn trưa ở trên ruộng rẫy thường là món cháo chua đựng trong những trái bầu khô. Thức ăn chủ yếu là muối ớt, canh rau rừng, thịt chim, thú và cá suối bắt được. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm không phát triển. Rau củ được trồng trên rẫy để bổ sung cho nguồn thức ăn do hái lượm đem lại. Thức uống phổ biến là rượu cần.
Mặc: Về mùa nóng, đàn ông xưa kia thường đóng khố ở trần; còn đàn bà thì quấn váy tấm và cũng ở trần. Về mùa lạnh, họ khoác thêm trên mình một tấm mền, kiểu phục sức rất phổ biến ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Hiện nay trong trang phục Mnông đã tiếp thu nhiều yếu tố Việt. Tập quán "cà răng căng tai" phổ biến trong xã hội cổ truyền, đến nay chỉ còn lại dấu ấn ở lứa tuổi những người cao niên.
Ở: Hiện nay người Mnông cư trú tập trung theo nhóm địa phương, chủ yếu ở các huyện: Lắc, Mdrắc, Ðắc Nông, Ðắc Mil, Krông Pách, Ea Súp, Buôn Ðôn... thuộc tỉnh Ðắk Lắk; một bộ phận cư trú ở phía bắc tỉnh Sông Bé và tây nam tỉnh Lâm Ðồng; địa bàn phân bố về phía tây đến tận miền đông Cam-pu-chia, giáp ranh với biên giới nước ta. Tuỳ theo vùng và từng nhóm địa phương mà họ xây cất nhà trệt hoặc nhà sàn.
Nhà trệt có mái tranh gần sát đất và nền đất là mặt bằng sinh hoạt, rất phổ biến ở nhóm Mnông Gar, Mnông Preh, Mnông Prâng... Còn nhà sàn thường là sàn thấp, chỉ cách mặt đất khoảng 0m70 đến1m00 và phổ biến ở nhóm Mnông Kuênh, Mnông Chil, Mnông Bhiêt... Riêng nhóm Mnông Rlâm ở vùng hồ Lắc xây cất nhà sàn cao theo kiến trúc của người Ê Ðê. Dù là nhà sàn hay nhà trệt thì mái vẫn là cỏ tranh: khung và sườn nhà được kết hợp 2 loại nguyên liệu là tre nứa và gỗ cây... Các bộ phận được liên kết bằng chạc, ngoãm, dây mây và dây rừng.
Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu là cái gùi cõng trên lưng nhờ có 2 quai quàng qua đôi vai. Việc vận chuyển bằng voi là phương thức đặc biệt được chú trọng ở vùng người Mnông. Việc đi lại, vận chuyển trên sông, hồ có thuyền độc mộc.
Quan hệ xã hội: Ðơn vị cư trú cơ bản gọi là bon hay uôn, tương ứng với làng, xóm. Các gia đình trong làng có quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân. Làng nhỏ có độ mươi nóc nhà, làng lớn có khi tập trung đến vài chục nóc. Quan hệ huyết thống ở đây tính theo dòng họ mẹ. Dấu vết của chế độ mẫu hệ còn rất đậm nét trong mọi quan hệ xã hội hiện nay. Song tập quán mẫu hệ đã và đang tan rã ở nhiều thang bậc khác nhau theo từng nhóm địa phương.
Trong xã hội cổ truyền người đứng đầu mỗi làng gọi là Rnút hay Kroanh bon, bên cạnh có người phụ tá gọi là Rnoi, Rnớp. Khi cần chiến đấu thì cử ra một chức sắc gọi là Né tăm lăm lở làm thủ lĩnh quân sự. Xã hội Mnông vận hành theo tập quán pháp và Tập quán pháp ca được truyền khẩu qua các thế hệ để làm chuẩn mực cho mọi ứng xử trong đời sống.
Cưới xin: Phụ nữ thường chủ động hơn trong việc hôn nhân. Lễ cưới do 2 bên cùng tổ chức. Sau hôn nhân phổ biến là cư trú phía nhà gái. Ở nhiều nhóm địa phương lại phổ biến hình thức luân cư song phương. Con sinh ra đều mang họ mẹ. Trong tập quán cưới xin có 3 nghi lễ là Sa ur, Tâm ốp và Tám nsông tương ứng với lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ thành hôn. Chế độ một vợ một chồng là quy tắc chặt chẽ trong quan hệ hôn nhân. Luật tục Mnông phạt vạ rất nghiêm khắc với tội loạn luân và ngoại tình.
Ma chay: Khi có người chết, cả làng nghỉ việc đồng áng để cùng lo mai táng, ma chay. Thi hài được quàn tại nhà khoảng 2 ngày đối với người chết già, chết vì bệnh tật. Họ rất kinh hãi và chối bỏ việc ma chay đối với mọi cái chết do tai nạn gây nên (chết đuối, ngã cây, rắn cắn, hổ vồ... và chết do chiến tranh, đâm chém). Những cái chết "bất đắc kỳ tử" như vừa nêu thì thi hài không được đem vào nhà mà phải mai táng tức khắc một cách thầm lặng. Thổ táng là hình thức duy nhất trong việc tang ma, không có tập quán cải táng. Mọi người chết đều được chia tài sản để mang về "lập nghiệp" ở thế giới của ông bà gọi là Phan.
Nhà mới: Khi một ngôi nhà được xây cất hoàn tất thì lễ khánh thành để vào nhà mới sẽ được tổ chức linh đình bằng một ngày tiệc mặn cúng hiến sinh heo. Sau bữa ăn rồi mới đến tiệc rượu cần rất rôm rả trong tiếng nhạc cồng chiêng.
Lễ tết: Lễ hội đâm trâu là lễ hội cổ truyền được coi trọng nhất. Kết thúc mùa thu hoạch lúa hàng năm, mỗi làng đều tổ chức tết ăn mừng cơm mới, tạ ơn trời đất và thần lúa. Trâu được hiến sinh trong hội lễ tưng bừng để chuẩn bị cho một mùa vụ mới tràn đầy hy vọng.
Lịch: Nông lịch cổ truyền Mnông tính theo lịch âm, dựa vào quy trình canh tác rẫy. Mỗi năm cũng có 12 tháng, mỗi tháng có từ 29 đến 30 ngày.
Học: Trong xã hội cổ truyền Mnông chưa có chữ viết, chỉ có văn chương truyền miệng. Việc giáo dục, học tập được thực hiện bằng phương pháp chỉ dẫn trực tiếp, làm mẫu noi theo, bắt chước. Thập kỷ gần đây mới xuất hiện chữ viết nhưng sự phổ biến rộng rãi đang vấp phải không ít trở ngại.
Văn nghệ: Kho tàng truyện cổ, đặc biệt là sử thi và tập quán pháp ca tiềm ẩn nhiều giá trị, đã và đang được khai thác giới thiệu. Tục ngữ, ca dao, dân ca rất phong phú. Nhạc cụ có cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền, đàn 8 dây, sáo dọc. Ðặc biệt là vỏ trái bầu khô được sử dụng một cách phổ biến để tạo nên bộ phận khuếch đại âm thanh trong nhiều nhạc cụ bằng tre, nứa. Người ta đã tìm thấy ở vùng cư trú của người Mnông bộ đàn đá nguyên thuỷ nổi tiếng từ giữa thế kỷ XX.
Chơi: Trẻ em thường thích chơi diều, đánh cù, bịt mắt bắt dê, chạy, nhảy...
Theo cema.gov.vn