Chiều 29/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị đối thoại về đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị chịu trách nhiệm chính về chỉ số thành phần đào tạo lao động, qua đánh giá nội dung về chỉ số thành phần đào tạo lao động năm 2022, với số điểm 4,25, Cà Mau có vị trí xếp hạng rất thấp, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trên cả nước, giảm 17 hạng so với năm 2021.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Từ Hoàng Ân, nguyên nhân tiêu chí đào tạo lao động bị giảm điểm là do nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề, trả lương thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ rất thấp. Doanh nghiệp thường chọn xu hướng tự đào tạo, ít hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo lao động. Điều này khiến cho doanh nghiệp ít đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề còn thiếu và lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, thiết bị, máy móc mới của doanh nghiệp.
Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp. Công tác đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là các doanh nghiệp thủy sản; lao động đa phần là lao động phổ thông không qua đào tạo nghề nghiệp. Trong khi đó, lao động làm việc không ổn định và thường xuyên có sự biến động, phân tán rộng ở nhiều khu vực trong tỉnh. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận các thông tin, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực quản trị như khóa đào tạo, tập huấn, phổ biến chủ trương, chính sách.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh sớm có chính sách cụ thể trong việc khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đào tạo nghề, cung ứng lao động, giới thiệu việc làm kết hợp với việc kiểm tra chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Phước mong muốn tăng cường liên kết giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh với các doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với Trung tâm giới thiệu việc làm; giữa các doanh nghiệp với các trường đào tạo để phục vụ cho công tác đào tạo, sử dụng lao động; từ đó, thu hút ngày càng nhiều lao động có tay nghề, trình độ cung cấp cho doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp cần thường xuyên kết nối với doanh nghiệp để làm tốt công tác đào tạo và đào tạo lại lao động, đảm bảo có chứng chỉ tay nghề cho lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và giải quyết việc làm cho lao động, phục vụ tốt hơn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn lực lao động của địa phương.
Ông Phan Văn Tâm, đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ, việc nâng cao tay nghề, đào tạo lao động có chứng chỉ, chứng nhận trong ngành chế biến thủy sản tại Cà Mau là khó khăn. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản chủ yếu là lao động phổ thông, khâu đào tạo tay nghề do các nhà máy tự đào tạo.
Đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề xuất Nhà nước có định hướng đào tạo người lao động có ngành nghề phù hợp với nhu cầu lao động của doanh nghiệp chế biến thủy sản. Sau đó, doanh nghiệp sẽ cam kết tiếp nhận và sử dụng lao động đã qua đào tạo làm việc tại công ty theo đúng nhu cầu. Cùng với đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên sâu về lao động để doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt được nhu cầu sử dụng lao động và khả năng đào tạo, cung cấp lao động cho nhau.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Thanh cam kết, ngành sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; nghiên cứu, thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng phát triển các ngành nghề trọng điểm gắn kết đào tạo nghề cho lao động với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa tỉnh, đáp ứng yêu cầu lao động của doanh nghiệp, của tỉnh.
Ngành chú trọng đào tạo lao động phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; tiếp tục khảo sát lấy ý kiến về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với lao động của tỉnh; khảo sát thông tin về nhu cầu đào tạo, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có định hướng, kế hoạch điều chỉnh hỗ trợ kịp thời.
Cùng với đó, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng, đa dạng các hình thức tổ chức về các phiên giao dịch giới thiệu việc làm, cải tiến làm phong phú chất lượng hệ thống dữ liệu việc tìm người và người tìm việc để tiết kiệm được chi phí tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp.
"Việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở Cà Mau hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, khắc phục chỉ số thành phần đào tạo lao động để sớm cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo’’, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ./.
Kim Há