Cà Mau: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động đánh bắt thủy hải sản

Cà Mau: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động đánh bắt thủy hải sản
Theo đại biểu Nguyễn Sơn Ca, thời gian qua, UBND tỉnh đã có chủ trương, quy định cụ thể về việc quản lý hoạt động tàu cá thông qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thế nhưng hiện tại vẫn còn nhiều chủ tàu chưa tự giác thực hiện. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tuy giảm đáng kể, nhưng chưa ngăn chặn triệt để.
Tàu đánh cá tại cửa biển thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTXVN phát
Tàu đánh cá tại cửa biển thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTXVN phát
Còn đại biểu Nguyễn Minh Đương chất vấn và đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về kết quả, tiến độ thực hiện và giải pháp tối ưu nhất trong quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá, nhất là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Lê Thanh Triều cho biết, thời gian qua, Sở tập trung chỉ đạo thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá trên biển đạt một số kết quả khả quan. Sở đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động tàu cá khai thác trên vùng biển, nhất là tàu đánh bắt xa bờ.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.200/1.665 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của UBND tỉnh. Tuy vậy, quá trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vẫn còn gặp khó khăn. Cụ thể, nhiều tàu cá mất kết nối liên lạc trên biển và kể cả trên đất liền, gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát. Ông Triều thẳng thắn, đối với trường hợp trên, Sở yêu cầu cơ quan chức năng kêu gọi chủ tàu cá bị mất kết nối đưa tàu vào bờ để kiểm tra. Nếu phát hiện có hành vi tự ý tháo gỡ hoặc lắp đặt thiết bị không đúng quy định thì đề nghị xử lý nghiêm theo quy định.
 
Về giải pháp xử lý 545 tàu chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ông Lê Thanh Triều cho biết, Sở tiếp tục chủ trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND các huyện ven biển khẩn trương rà soát, phân loại xem trong số tàu cá nói trên có bao nhiêu tàu đủ điều kiện và không đủ điều kiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình bắt buộc theo quy định.

Qua đó, Sở tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp xử lý cụ thể. Bên cạnh đó, Sở phối hợp cơ quan chức năng của tỉnh và các tỉnh lân cận để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động đánh bắt trên biển; kịp thời theo dõi nắm tình hình, có biện pháp xử lý các vụ việc ngư dân tranh chấp ngư trường, sự cố tai nạn trên vùng biển...
 
Liên quan vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo  kiểm tra rất nghiêm ngặt và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh không chỉ dừng lại ở việc giảm về số vụ mà phải chấm dứt triệt để tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là cam kết của Việt Nam đối với quốc tế.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác thủy sản ven bờ để bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nếu tàu cá không đủ điều kiện đánh bắt theo quy định thì chuyển đổi sang nghề khác. Ông Hải kêu gọi ngư dân chia sẻ, đồng tình ủng hộ chủ trương của tỉnh nhằm để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển.
 
Ngoài ra, các đại biểu còn chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý cải tạo, vét ao, đầm nuôi thủy sản; giải pháp tháo gỡ để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nuôi trồng thủy sản gắn bảo vệ tốt môi trường. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều cho rằng, phần lớn người dân tự cải tạo ao, đầm nuôi tôm nên phát sinh nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý. Thời gian tới, Sở phối hợp UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, kiểm tra chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản, giải quyết tốt vấn đề môi trường.
 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng giải đáp, làm rõ một số nội dung liên quan đến vấn đề giá cả tôm nguyên liệu; công tác quản lý kiểm dịch giống thủy sản, cung cấp nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng để nâng cao sản lượng, hiệu quả sản xuất; công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm để trục lợi đã làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thương hiệu tôm Cà Mau.
 
Thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp các Đội kiểm tra liên ngành, Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về giá cả tôm nguyên liệu; xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp giống thủy sản, sản phẩm thủy sản kém chất lượng, nhất là kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp gian lận thương mại, bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu để trục lợi. Ông Triều dẫn chứng, trong số 831 vụ được cơ quan chức năng xử lý sai phạm thì có đến hơn 30% số vụ liên quan đến lĩnh vực thủy sản, nguồn gốc thủy sản.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tăng cường ''siết chặt'' công tác quản lý các cơ sở, doanh nghiệp trực tiếp thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn. Đi đôi với công tác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ dân, cơ sở, doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu để trục lợi bất chính.
 
Cũng tại Kỳ họp này, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh còn đặt nhiều câu hỏi chất vấn Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài Nguyên và Môi trường; Xây dựng về công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực chuyên ngành. Qua đó, Giám đốc một số sở, ngành có liên quan giải đáp làm rõ về nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong tác quản lý xây dựng, đất đai, môi trường và nêu giải pháp chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.
 
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện đánh giá, buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường đạt kết quả tốt, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đại biểu. Nhìn chung, các câu chất vấn ngắn gọn, nội dung tập trung trọng tâm vào những vấn đề được cử tri quan tâm. Các đại biểu thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung, vấn đề mà đại biểu, cử tri trong tỉnh quan tâm.
 
Kỳ họp tiếp tục làm việc đến ngày 6/12, để biểu quyết thông qua 25 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và một số vấn đề khác. Trong đó đáng lưu ý là Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Nghị quyết về việc giải thể Sở Ngoại vụ tỉnh và Nghị quyết về sáp nhập Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh vào Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh.
 
Đồng thời các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua các tờ trình, nghị quyết về miễn nhiệm chức danh Phó Trưởng ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và bầu bổ sung chức danh Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau./.
 Kim Há
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm