Buông lỏng quản lý đất đai tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)

Buông lỏng quản lý đất đai tại Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 3)
Bài 3: Vòng vo lách luật!

Thu đất nằm ngoài quy hoạch

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, xác định quy mô tổng diện tích là 800 ha tại quận 9.

Nhiều khu vực đang bị bỏ hoàng trong Khu Công nghệ cao, quận 9. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN
Nhiều khu vực đang bị bỏ hoàng trong Khu Công nghệ cao, quận 9.
Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN
 
Đến năm 2002, UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi toàn bộ diện tích là 804 ha, tăng 4 ha và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại văn bản số 572/CP. Việc thu hồi diễn ra tại 5 phường quận 9 gồm: Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, trên thực tế thành phố lại thu hồi đất tại phường Hiệp Phú mặc dù trong Quyết định 989/QĐ-TTg của Thủ tướng không đề cập đến đồng thời không thu đất tại phường Phước Long B được xác định trong Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ.
 
Tiếp đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 95/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể và dự án xây dựng Khu Công nghệ cao giai đoạn 1 với tổng diện tích là 804 ha tại 6 phường ở quận 9 (bổ sung thêm phường Hiệp Phú cùng với 5 phường cũ).
 
Trong lần thứ 2 thu hồi đất, UBND thành phố đã thu hồi bổ sung 6,9 ha để thực hiện dự án khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đặc biệt, trong lần thu hồi đất thứ 3, UBND thành phố đã thu hồi bổ sung tới 102 ha khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
 
Năm 2005, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 4525/UBND-ĐT báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án đầu tư xây dựng mới Khu Công nghệ cao, từ 804 ha lên 913 ha.

Đến năm 2006, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4877/QĐ-UBND điều chỉnh địa danh thu hồi đất, thay tên phường Phước Long B thành phường Hiệp Phú. Đây chính là động thái hợp thức hoá cho việc thu hồi đất ngoài ranh dự án không có trong Quyết định số 989/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này dẫn tới khiếu nại bức xúc gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất.
 
Ngày 18/4/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 458/QĐ-TTg điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể Khu Công nghệ cao với nội dung dự án được xây dựng trên 5 phường quận 9 gồm phường Tân Phú, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ (bỏ phường Phước Long B) với diện tích 913 ha.
 
Năm 2008, UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu Công nghệ cao, xác định diện tích tổng thể của dự án là 913 ha; trong đó, đất khu Công nghệ cao là 872 ha và 41 ha là đất các dự án khác nằm trong ranh dự án.
 
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 xác định, Khu Công nghệ cao quận 9 có quy mô 872ha. Đáng chú ý, Quyết định này của Thủ tướng không nhắc đến 41 ha mà UBND thành phố phê duyệt dưới tên gọi “các dự án khác”.
 
Chưa kể UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao UBND quận 9 thu hồi thêm 149 ha đất nằm ngoài ranh Khu Công nghệ cao (khu 913 ha) để lập 9 dự án gồm 7 dự án tái định cư, 1 khu nhà ở chuyên gia và 1 khu nhà lưu trú cho công nhân. Như vậy, tổng cộng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi 1.062 ha đất.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi này thể hiện công tác quy hoạch quỹ đất phục vụ tái định cư không sát thực tế. Mặc dù trong ranh quy Khu Công nghệ cao đã quy hoạch khu nhà ở chuyên gia với diện tích 27,76 ha đến nay chưa xây dựng nhưng vẫn thu hồi thêm đất ngoài ranh với diện tích 62,2 ha.
 
Hàng loạt sai phạm khác

Kết luận số 10/KL-TCQLĐĐ ngày 13/12/2015 của Thanh tra Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Tuấn cho Công ty cổ phần Kiến Á tham gia ký hợp đồng với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao để thi công đầu tư hạ tầng với tư cách chủ đầu tư là không đúng quy định.
Thi công hạ tầng kỹ thuật nham nhở trong Khu Công nghệ cao, quận 9. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN
Thi công hạ tầng kỹ thuật nham nhở trong Khu Công nghệ cao, quận 9. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN
 
Lợi dụng tư cách chủ đầu tư dự án, Công ty cổ phần Kiến Á đã chuyển nhượng khu B với 4,9 ha trong khi chưa ký hợp đồng chuyển nhượng nền đất tại dự án. Sau đó, lại chuyển nhượng nền nhà, thay đổi diện tích 1,8 ha đất phân ra 166 lô (100 nền liên kế và 66 nền biệt thự).

Theo Thanh tra Chính phủ, có cơ sở khẳng định hành vi này đã gây thất thoát cho ngân sách thành phố 8 tỷ đồng do phải mua qua trung gian là Công ty cổ phần Kiến Á.
 
Mặt khác, theo Thanh tra Chính phủ, do buông lỏng quản lý nên Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 đã rút vốn bồi thường của dự án Khu Công nghệ cao để tạm chi cho các chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu một thành viên Phát triển Khu Công nghệ cao, Công ty cổ phần Kiến Á, Công ty Quản lý và Phát triển đô thị quận 9 để xây dựng dự án khu tái định cư. Đây là hình thức chiếm dụng vốn ngân sách Nhà nước.
 
Từ thực tế trên, UBND quận 9 đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận cân đối, điều chuyển 5.668/7.383 căn hộ và nền đất thuộc 8 dự án tái định cư để bố trí tái định cư cho “các dự án trọng điểm khác”. Nhưng trên thực tế, “các dự án trọng điểm khác” lại là những dự án có thu hoặc có tính chất thương mại, có vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Điều này trái với Luật Đất đai 2003, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thu hồi tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá thành xây dựng căn hộ chung cư hoặc nền đất từ việc điều chuyển 5.668/7.383 căn hộ nói trên; đồng thời, chấm dứt ngay việc chi tạm ứng từ nguồn kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng của từng dư án cho chủ đầu tư.
 
Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cần thu hồi 81 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 9 đã vi phạm trong việc ứng vốn ngân sách từ năm 2005 nhưng đến nay chưa hoàn trả ngân sách.
 
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, các quyết định thu hồi đất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh không phối hợp với các bộ ngành liên quan, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, từ năm 1998 – 2008, UBND thành phố không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà chỉ căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu công nghiệp kỹ thuật cao do Viện Quy hoạch xây dựng thành phố thiết lập nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để rồi điều chỉnh tăng gần 4 ha là không đúng quy định đối với Luật Đất đai 1993 và Nghị định 68/2001/NĐ-CP ngày 1/10/2001 của Chính phủ khi thực hiện thu hồi và giao đất.
 
Mặt khác, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng làm sai quy định về xác định ranh giới đất phải thu hồi, sai sót trong việc công bố quy hoạch, không lập bản đồ xác định vị trí ranh giới, mốc giới kèm theo quyết định thu hồi đất. Hội đồng bồi thường không lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư.

Trong tổng số 3.113 hộ dân bị thu hồi đất thì có tới 2.035 hồ sơ được UBND quận 9 kiểm kê, ban hành quyết định công bố giá trị bồi thường trước ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (ngày 1/7/2004) gây thiệt thòi cho người dân, dẫn tới bức xúc và khiếu nại kéo dài.
 
Ngoài ra, có thêm 470 hộ dân phải di dời khi thành phố thu hồi thêm 149 ha nằm ngoài ranh dự án để phục vụ công tác xây dựng các khu tái định cư. (còn tiếp Bài 4: Nỗi buồn mang tên "Rạch Chiếc")
 Trần Xuân Tình

Có thể bạn quan tâm