Bằng những kiến thức đã được tập huấn, bà con thường xuyên cho bò ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng sữa tốt |
Tổ Hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Ka Đô được thành lập từ cuối năm 2013, với 20 hộ dân (trong đó có 12 hộ là đồng bào DTTS) tham gia và đến nay đã phát triển được 56 con bò sữa. Tham gia mô hình này, mỗi thành viên tổ hợp tác được hỗ trợ vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 30 triệu đồng/hộ. Sau 2 năm đi vào hoạt động, đến nay, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Ka Đô bước đầu đã mang lại hiệu quả. Từ việc chăn nuôi bò sữa đã giúp nhiều hộ DTTS có thêm nguồn thu nhập ổn định. Trước đây, gia đình chị Tou Neh Nai Liêm chủ yếu trồng rau màu và chăn nuôi vài con bò thịt, nên cuộc sống cũng chưa thể khá lên được. Trừ chi phí, gia đình chị chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng/năm. Do đó, vợ chồng chị đã quyết định bán 6 con bò thịt, cùng với số tiền tích lũy, vay mượn và vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân 30 triệu đồng để tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa. Chị Tou Neh Nai Liêm cho biết: “Với số tiền 195 triệu đồng, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chồng trại, trồng cỏ, bắp; máy thái cỏ, máy vắt sữa... và mua 6 con bò sữa. Đến nay, đã có 2 con cho sữa từ 30 - 35 lít/ngày. Với giá thị trường từ 12.000 - 14.000 đồng/lít như hiện nay, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi 6 triệu đồng/tháng. Riêng các con còn lại cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cho sữa”.
Tương tự, gia đình anh Đinh Văn Léo, sau khi nhận được nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 30 triệu đồng, gia đình anh đã vay mượn thêm 70 triệu đồng của họ hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua một số dụng cụ, máy móc, trồng cỏ để nuôi 2 con bò sữa. Đến nay, đàn bò sữa của gia đình anh đã cho khai thác sữa từ 20 - 30 lít/ngày và bán cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với giá 14.000đồng/lít. Sau khi trừ các chi phí, bình quân gia đình anh Léo thu được 2,5 triệu đồng/tuần. “Hiện tại 2 con bò của gia đình cũng đã sinh sản và hàng ngày đều cho sữa. Do được tập huấn kỹ thuật, nên trong quá trình nuôi cũng không gặp phải trở ngại, khó khăn. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục phát triển đàn bò, vì nuôi bò sữa đã giúp cho gia đình tôi có thu nhập ổn định” - anh Đinh Văn Léo nói.
Với nguồn thu nhập khá ổn định từ bò sữa mang lại nên hiện nay một số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã Ka Đô đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với số lượng khá lớn, điển hình như gia đình bà Ma Hồng. Thời gian qua, bà Ma Hồng đã đầu tư 600 triệu đồng, xây dựng chuồng trại, mua 6 con bò sữa, trong đó có 4 con trung bình mỗi ngày vắt được 60 lít sữa. Với giá bán 14.000 đồng/lít sữa, sau khi trừ các chi phí, hàng tuần thu nhập từ việc chăn nuôi bò sữa đem lại cho gia đình Ma Hồng 4 - 5 triệu đồng.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đô: “Điều kiện khí hậu thổ những ở Ka Đô rất thuận lợi nên đàn bò phát triển tốt. Với đầu ra và giá cả ổn định như hiện nay thì việc nuôi bò sữa mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều so với một số loại cây trồng và các loại vật nuôi khác. Hiện nay, nhu cầu nuôi bò sữa của bà con rất cao nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn, nên đây là một trong những khó khăn của bà con. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tạo điều cho bà con phát triển chăn nuôi bò sữa, qua đó nhằm giúp bà con, nhất là đồng bào DTTS phát triển kinh tế ổn định”.
Báo Hậu Giang