Huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển giống măng loi thành đặc sản của địa phương.
Măng loi là loại măng cùng họ với măng tre, có đặc điểm chỉ mọc ở vùng cao, khí hậu lạnh. Đỉnh núi Pù Loi thuộc xã Tiên Kỳ, Đồng Văn và Tân Hợp của huyện Tân Kỳ được thiên nhiên ban tặng cho loại măng loi hiếm có trên đất Nghệ An này. Tầm tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, măng loi lên mặt đất, bà con lên rừng thu hái.
Măng loi phát triển nhanh và mọc thành từng cụm dày có thân nhỏ, ngọn măng dài, có lá nhọn và vỏ bóng. Với hương vị đặc trưng thanh ngọt, lành tính nên được nhiều người ưa chuộng, giúp cho bà con nơi đây kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Do đặc thù nằm ở đỉnh núi cao 1.100 m so với mực nước biển nên để hái được măng rừng, người dân phải thức dậy từ 3h sáng, leo núi để hái măng. Hơn 15 năm nay, cứ đến mùa măng là vợ chồng ông Vi Văn Ngoan và vợ là bà Huấn Thị Tuyết ở bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ bám rừng thu hái măng.
"Năm nay, mưa nhiều nên măng đầu mùa rất dễ kiếm. Từ chân núi lên đỉnh núi phải mất hơn 2 giờ đi bộ, hôm nào được nhiều khoảng 60-70 kg, ngày ít hơn cũng được 20 kg. Sản phẩm này rất đắt khách, có hôm người đặt hàng nhiều hàng chẳng đủ để bán. Tuy có vất vả, nhưng bù lại mỗi lần đi hái về tôi bán được hơn 700.000 đồng tiền măng, giúp gia đình có thêm thu nhập", ông Vi Văn Ngoan cho biết.
Măng loi sau khi hái về được sơ chế bằng cách dùng lưỡi dao mỏng, sắc lia nhẹ rọc toàn bộ lớp vỏ để lộ những mầm non. Ống măng càng xanh tươi thì măng càng giòn ngọt. Thời điểm này, măng loi bóc vỏ được bán tại các chợ trên địa bàn huyện Tân Kỳ và nhập cho các nhà hàng ở Đô Lương, Nghĩa Đàn, Thành phố Vinh... với giá 70.000 đồng/kg.
Bà Vi Thị Bích, bản Chiềng, xã Tiên Kỳ, tiểu thương bán măng loi tại huyện Tân Kỳ cho biết, măng loi là một món rau rừng đặc sản của địa phương đang được nhiều người mua về ăn, làm quà cho gia đình và bạn bè của mình. Thời điểm này bà cùng một số người thu mua măng loi ở xã Tiên Kỳ về nhập cho các đầu mối tiêu thụ. Hiện mỗi ngày bà bán giao động từ 20 – 50kg măng loi. Vào mùa vụ chính, có ngày bán được gần 1,5 tạ, thu lãi từ hơn 1 triệu đồng/ngày. Nhiều hôm "cháy hàng" không có để bán, bởi đây là giống măng rừng nên khó tìm, phụ thuộc vào người đi hái măng kiếm được nhiều hay ít.
Măng loi có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất, chất xơ, có lợi cho tim và đường ruột. Măng có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân... nên được rất nhiều người tin dùng và ưa chuộng.
Hiện nay, diện tích rừng măng Loi tự nhiên ước đạt 80 – 100 ha; trong đó, diện tích hiện còn cho khai thác ước đạt 45 – 50 ha. Thời vụ khai thác bắt đầu vào tháng 8 hàng năm (thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Tiên Kỳ) và kết thúc vụ khai thác vào tháng 12 hàng năm. Vào mùa hái măng Loi, bà con dân tộc Thổ, Thái vào rừng khai thác tự nhiên vì mục đích thương mại (do có giá trị kinh tế cao giá bán tại chân núi cho các thương lái từ 40 – 50 nghìn đồng/kg măng tươi), thời điểm khan hiếm măng thì giá tăng cao hơn, hình thức khai thác mang tính hủy diệt. Sản lượng ước đạt 18 – 20 tấn măng tươi, giá trị ước đạt 1 – 1,2 tỷ đồng/vụ khai thác.
Theo lãnh đạo xã Tiên Kỳ, hiệu quả kinh tế từ cây măng Loi cao hơn nhiều so với các cây rừng trồng khác trên diện tích đất rừng. Chính vì vây, đứng trước nhu cầu của thị trường, giá trị thu được từ bán măng Loi cho nên người dân vào rừng khai thác tự nhiện vì mục đích thương mại, mang tính hủy diệt, nhiều diên tích rừng măng Loi cho thu hoạch đến nay đã có xu hướng cạn kiệt, diện tích cho thu hoạch đang dần bị thu hẹp.
“Để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên này, chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ triển khai tuyên truyền đến người dân về cách thu hái (khi thu hái, mỗi bụi măng như vậy phải chừa lại 1-2 mầm để nó phát triển thành cây, thành bụi) chứ không hái triệt để cả gốc”, ông La Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết.
Măng loi được người dân Tân Kỳ chế biến thành nhiều các món ăn đặc sản khác nhau như măng luộc, măng hầm, măng xào, măng ngâm chua cay... Độc đáo và lạ miệng hơn chính là măng loi bỏ trong ống nứa được nướng trên than củi hồng đượm. Mùi thơm của măng hòa quyện vào vị ngọt của ống nứa tạo nên dư vị hấp dẫn và khó quên.
Để chế biến thành sản phẩm đặc sản hấp dẫn cung ứng ra thị trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ đã chế biến măng loi thành 2 sản phẩm là măng loi dầm tỏi, ớt và măng loi tươi thanh trùng. Hai sản phẩm này đều được chế biến, đóng gói khá bắt mắt, bảo quản trong thời gian 6 tháng và được dùng thành sản phẩm quà tặng hay sử dụng trong mỗi dịp lễ Tết. Sản lượng chế biến trong 1 vụ khai thác đạt công suất là 2.000 kg sản phẩm đã được sơ chế và chế biến đảm bảo các yêu cầu chất lượng cung cấp cho thị trường.
Nhu cầu sử dụng và thị trường tiêu thụ sản phẩm măng Loi trên thị trường huyện Tân Kỳ và tỉnh Nghệ An rất lớn. Khối lượng và mức độ khai thác đã và đang có xu hướng phát triển mạnh. Cây măng Loi Tân Kỳ là nguồn gen cây rừng quý có giá trị kinh tế cao, là một loại thực phẩm đặc sản của huyện Tân Kỳ, tuy nhiên nguồn gen bản địa quý này đang dần bị cạn kiệt do bị khai thác quá mức, theo hình thức tận diệt. Vì vậy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để xây dựng mô hình quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi, khai thác bền vững và sơ chế, chế biến măng Loi là việc làm rất cần thiết.
“Với quy mô 3ha, mục tiêu dự án đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân huyện Tân Kỳ, góp phần thu hút và tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế xã hội của huyện Tân Kỳ”, bà Thái Thị Mỹ Lương – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết.
Mục tiêu của huyện Tân Kỳ là phát triển trồng rừng sản xuất, đưa sản xuất lâm nghiệp là một trong các mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, tập chung chỉ đạo các xã có tiềm năng, thuận lợi trong phát triển các loài cây rừng đặc sản trở thành sản phẩm hàng hóa.
Ban thường vụ Huyện uỷ đã ra Nghị quyết phát triển khoanh nuôi bảo vệ rừng, lấy phát triển cây rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện Tân Kỳ; trong đó, đến năm 2025 phát triển, khoanh nuôi rừng tre, nứa 200 – 300 ha, trên diện tích đất rừng sản xuất.
Vì vậy, kết quả thành công của dự án là cơ hội rất lớn để mở rộng và phát triển ra các xã thuộc vùng quy hoạch khoanh nuôi, bảo vệ rừng tre, nứa của huyện Tân Kỳ nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung trong thời gian tới.
Bích Huệ