Ngày 2/12, Công ty cổ phần Kim Bôi (Hòa Bình) đã xuất khẩu 28 tấn măng tươi đã qua chế biến sang Hà Lan, đây là thị trường Châu Âu mới có nhiều triển vọng...
Các sản phẩm như măng búp, măng thái sẵn, măng chua, măng trúc quân tử, măng thái sợi khô, măng khô… của Công ty cổ phần Kim Bôi đã có mặt ở nhiều thị trường như Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Angola.... và có mặt ở khắp các siêu thị, sàn thương mại điện tử của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là những tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình khi ngày càng có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao, vươn xa khẳng định thương hiệu thực phẩm Việt tại các thị trường quốc tế.
Ông Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần Kim Bôi cho biết, công ty đã và đang hướng đến sự phát triển bền vững và duy trì sự tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Với việc niêm yết xuất xứ nguồn nguyên liệu sản xuất trong quy trình xuất khẩu thì ngoài việc tiếp tục thu mua măng tươi và xây dựng các đơn vị nguyên liệu vệ tinh thì công ty đang đề xuất với chính quyền tỉnh Hòa Bình và các đơn vị sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện giúp đỡ hình thành các vùng trồng nguyên liệu định danh phục vụ cho quy trình sản xuất hướng đến phát triển mở rộng thị trường quốc tế của công ty.
Trong năm 2021, Công ty cổ phần Kim Bôi đã xuất khẩu được hơn 10 container với khối lượng sản phẩm khoảng 280 tấn các mặt hàng măng tươi và miến khô sang nhiều thị trường nước ngoài, doanh thu mỗi năm đạt hơn 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 100 lao động địa phương.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình, để xuất khẩu được các sản phẩm như măng, mía, miến sang các thị trường “khó tính” như Châu Âu hay Nhật Bản thì đòi hỏi phía các đơn vị sản xuất của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí chất lượng về vi sinh vật, côn trùng, đất, dư lượng nitrat, thuốc bảo vệ thực vật thông qua các thông số niêm yết trên sản phẩm theo quy định của thị trường nhập khẩu. Do vậy, hàng hóa phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm từ trồng, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu trữ và vận chuyển…
Để duy trì và phát triển thương hiệu măng tươi, hướng đến từng bước chinh phục thị trường nước ngoài thì ngay từ những ngày đầu tiên Công ty cổ phần Kim Bôi đã xác định thị trường trong nước phải là hàng đầu, để từ đó tạo ra kinh nghiệm và chất lượng hướng đến chinh phục thị trường quốc tế.
Cho đến hiện tại thì 80% sản măng tươi và miến của công ty đã và đang được phân phối qua các sàn thương mại điện tử, các siêu thị và các kênh phân phối tư nhân; là đơn vị cung cấp măng tươi cho nhiều ngành thực phẩm có nhu cầu về măng tươi trong nước. Song song với đó công ty tiếp tục đầu tư nhà xưởng, trang bị công nghệ, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm măng tươi, sạch đủ tiêu chuẩn đáp ứng với tiêu chí về an toàn thực phẩm của các thị trường ngoài nước, sẵn sàng khẳng định thương hiệu măng tươi Việt Nam vươn xa, chinh phục các thị trường quốc tế.
Trước đó, trong tháng 11/2021, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu 10 tấn mía cung cấp cho một tập đoàn đối tác ở thành phố Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức. Lô sản phẩm mía xuất khẩu do Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương, huyện Tân Lạc sản xuất. Công ty trách nhiệm hữu hạn và đầu tư thương mại Tiến Ngân, thành phố Hòa Bình thu mua, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu qua trung gian Công ty cổ phần Phân bón Fusa.
Trong những năm tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đặt ra quyết tâm hướng đến xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tiêu biểu khác của tỉnh, đặc biệt là cam Cao Phong - một thương hiệu đã khẳng định được thương hiệu và nổi tiếng thị trường trong nước nhiều năm nay.
Đến hết tháng 11/2021, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 100 tấn rau, củ, quả; trên 60.000 quả trứng; trên 300 chai, hộp cà gai leo, ớt, shachi omega 369... được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ và sàn thương mại điện tử. Chính quyền tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan đã cấp mã số vùng trồng cho 200 ha chuối, thanh long, nhãn, bưởi Diễn và 7 mã số cơ sở đóng gói.
Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 sẽ có trên 2.000 tấn chuối trồng tập trung đến thời kỳ thu hoạch, trong đó gần 50% dành cho thị trường xuất khẩu, ngoài ra còn có các nông sản như chè, rau, củ quả muối, măng, miến, mía... cũng sẽ được xuất khẩu.
Trọng Đạt