Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng tỉnh Ninh Thuận đã kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn và sản phẩm đặc thù măng tây xanh của địa phương vẫn tạo sức hút lớn từ thị trường tiêu thụ với giá cả hợp lý. Tỉnh cho biết, không có sản phẩm không tiêu thụ được dẫn đến việc người trồng phải phá bỏ, làm thức ăn cho gia súc.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay tỉnh có hơn 200 ha măng tây xanh, được trồng nhiều nhất ở các địa phương của huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Cây măng tây xanh được xem là cây trồng đặc thù, mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân làm giàu, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch vùng đất cát ở một số địa phương của huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để trồng măng tây xanh. Hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị cho loại cây trồng này.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, tuy có khó khăn về tiêu thụ sản phẩm do vận chuyển và sức mua giảm… nhưng ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp để giải bài toán thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc thù; trong đó, có măng tây xanh.
Đến thời điểm này, măng tây xanh vẫn tiêu thụ đều, không bị ứ hàng, giá cả cũng không chênh lệch nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh xảy ra. Vì vậy, không có chuyện người trồng bất mãn, phá bỏ cây trồng dùng làm thức ăn cho gia súc như một số cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh vừa qua.
Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận phân tích, măng tây xanh là một loại rau, trồng một lần nhưng có thể thu hoạch từ 6-8 năm, thậm chí từ 10-15 năm tùy điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của người dân.
Sau đó, cây này sẽ bị già cỗi, không cho năng suất cao. Tận dụng thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh, người dân tranh thủ dọn và nhổ bỏ những gốc cây đã già; đồng thời, ương dưỡng, chăm sóc và tái tạo lại mầm cho cây phát triển để thời gian sau tiếp tục thu hoạch.
Những cây măng tây già cỗi lại là phụ phẩm nông nghiệp hữu ích, được người trồng tận dụng phối hợp cùng cám gạo và phụ phẩm khác để xay làm thức ăn tinh cho gia súc. Đây là cách làm hay được người trồng măng tây xanh áp dụng.
Ông Châu Thành Lương ở thôn Tuấn Tú, Xã An Hải, huyện Ninh Phước cho biết, gia đình trồng 2,5 sào măng tây xanh. Sau nhiều năm thu hoạch, đến lúc cây "lão hóa", năng suất không đạt, tận dụng thời gian nghỉ dịch bệnh, ông quyết định phát dọn cây già cỗi; đồng thời, tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng, bón phân để cây sớm nẩy mầm lại kịp cho thu hoạch ở mùa sau.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, từ trước tới nay, nhiều mô hình măng tây xanh được trồng theo hướng an toàn. Người trồng nòng cốt là xã viên của các hợp tác xã. Nhiều mô hình măng tây xanh đã tạo được sự liên kết bền chặt theo hướng đôi bên cùng có lợi giữa các xã viên với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Điển hình như sự liên kết giữa Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú với Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến ở xã An Hải, huyện Ninh Phước. Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, hợp tác xã hiện có 64 xã viên tham gia trồng măng tây xanh với diện tích 42 ha. Đầu tư cho 1 ha măng phải cần kinh phí khoảng 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, vốn đầu tư không còn là vấn đề khó bởi định hướng phát triển cây trồng này đã được tỉnh đưa ra rất bài bản và khoa học; đặc biệt là vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất ổn định.
Cứ khoảng 1 sào cây măng tây xanh cho thu hoạch từ 5-7kg/ngày. Với giá bán từ 50.000 - 65.000 đồng tùy loại, người trồng có nguồn thu nhập rất ổn định. Trung bình, mỗi ha măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng từ 300-500 triệu đồng/năm.
Thời điểm này, dù dịch bệnh đang bùng phát nhưng hợp tác xã vẫn thu mua đều cho xã viên và người trồng với giá 40.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định nên người trồng măng tây xanh ở địa phương rất phấn khởi.
Là doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh của người dân trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến đã khuyến khích người trồng tranh thủ thời gian này cải tạo lại vườn, chăm sóc cây thật tốt để khi hết dịch bệnh, thị trường ổn định trở lại sẽ có sản phẩm bán nhiều và chất lượng hơn.
Mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có khó khăn do bối cảnh dịch bệnh, thế nhưng qua mối liên kết sản xuất, Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến đều thu mua hầu hết sản phẩm măng tây xanh của các hợp tác xã đã mua lại từ xã viên với giá ổn định.
Những ngày qua, nhiều lô hàng sản phẩm nông nghiệp; trong đó, có măng tây xanh của tỉnh Ninh Thuận đều được thu mua, vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ đều đặn. Thậm chí, có lúc, măng tây xanh không có đủ hàng để thu mua đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho các siêu thị. Trang trại của ông Tiến phải đi tìm mua lại ở các hợp tác xã khác trong tỉnh để có đủ hàng xuất bến trong ngày.
Công Thử