Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ - Bài 2

Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ - Bài 2
Bài 2 - tiếp theo và hết: Gắn kết bảo tồn với định vị, quảng bá sản phẩm du lịch
Bảo tồn trong không gian mở
Liên quan đến giải pháp về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và chuyên gia lĩnh vực du lịch cho rằng: Bảo tồn văn hóa có thể ở dạng động và dạng tĩnh. Bảo tồn dạng động có nghĩa là lưu giữ, bảo vệ các giá trị văn hóa ngay chính trong đời sống của cộng đồng. Cộng đồng là nơi sản sinh ra các hiện tượng văn hóa, vì vậy đây là nơi tốt nhất để bảo tồn, phát huy những giá trị đó trong đời sống xã hội.
Liên hoan trích đoạn sân khấu Dù kê và Rô băm - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất năm 2019 có sự tham gia của 7 đơn vị từ các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Liên hoan trích đoạn sân khấu Dù kê và Rô băm - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất năm 2019 có sự tham gia của 7 đơn vị từ các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Còn bảo tồn dạng tĩnh là điều tra, sưu tầm và thu thập các dạng thức văn hóa của tổ chức, nhà nghiên cứu nhằm lưu giữ nguyên vẹn những giá trị trên trong phát triển văn hóa - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng. Để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật dù kê cần đặt loại hình nghệ thuật này ngay trong không gian mở của nó với những phum sóc của  đồng bào Khmer, con người Khmer yêu lao động, sống có ích cho xã hội. Từ đó, cũng có thể xây dựng các tour du lịch tham quan ngôi chùa Khmer cổ kính, thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào, kết hợp xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê...
 
Thạc sỹ Sơn Ngọc Khánh (Trường Đại học Trà Vinh) cho rằng, chúng ta không thể mang loại hình nghệ thuật này vào các cơ sở lưu trú hay khu nghỉ mát để du khách thưởng thức. Bản thân khách du lịch - những người muốn được chính tai nghe và tận mắt thấy, nên tìm đến với dù kê. Cũng giống như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hay đờn ca tài tử Nam Bộ, dù kê cũng phải được đặt đúng trong không gian của mình - địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Có như vậy, du khách mới có thể cảm nhận hết cái đặc sắc và ý nghĩa của loại hình nghệ thuật sân khấu này. 
 
Thực tế thời gian qua, một số địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn nghệ thuật dù kê và từng bước gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Chẳng hạn, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sân khấu dù kê trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016 - 2020) với những mục tiêu căn bản như: Bảo tồn những giá trị căn bản và chuẩn mực của nghệ thuật sân khấu dù kê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng về bài bản, phong cách biểu diễn, sinh hoạt, mục đích hoạt động nghệ thuật của nghệ nhân. Tỉnh cũng đề ra mục tiêu bảo tồn (trong điều kiện thực tế ở địa phương) không gian biểu diễn sân khấu dù kê của người Khmer thông qua các dạng thức đã có từ lâu đời; đồng thời xây dựng những hình thức biểu diễn mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, Sóc Trăng xây dựng không gian biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê thành sản phẩm du lịch tại các địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Sóc Trăng đã phối hợp với nhiều địa phương, cơ quan chức năng tổ chức một số liên hoan biểu diễn dù kê ngay trong khuôn khổ các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, trong đó gần đây nhất là Liên hoan trích đoạn sân khấu Dù kê và Rô băm - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất diễn ra vào tháng 11/2019 do Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng phối hợp Ban Truyền hình tiếng Dân tộc (Đài Truyền hình Việt Nam) tổ chức, tại Sóc Trăng.

Liên hoan này chính là một trong những hoạt động điểm nhấn của lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019. Sự kiện này thu hút sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật sân khấu dù kê, các trường nghệ thuật, câu lạc bộ Văn hóa - văn nghệ tại những địa phương có đông đồng bào Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
 
Tại tỉnh Trà Vinh, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh đã được xây dựng ở phường 8, thành phố Trà Vinh, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, với nhiều phân khu chức năng và các hoạt động như: Tham quan con đường bích họa văn hóa Khmer; thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian Khmer, trong đó không thể thiếu nghệ thuật dù kê, trải nghiệm hoạt động làm bánh truyền thống của đồng bào Khmer như làm cốm dẹp, bánh ống... Đây cũng là hướng bảo tồn, phát huy nghệ thuật dù kê nói riêng, kho tàng văn hóa của đồng bào Khmer nói chung, gắn với phát triển du lịch khá phù hợp ở địa phương. 
 
Định vị sản phẩm đi đôi với quảng bá
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại tỉnh rất đa dạng, phong phú, là sự kết tinh đặc sắc thông qua quá trình sinh sống cộng cư của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Tỉnh xác định đây là nền tảng để Trà Vinh hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, chương trình du lịch chuyên đề di sản, phục vụ du khách. Hay nói cách khác, các di sản văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong kiến tạo và hình thành nên “trải nghiệm du lịch” độc đáo dành cho du khách đến Trà Vinh.
 
Có thể nhận thấy, Trà Vinh - địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào Khmer sinh sống, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật dù kê đã được tỉnh xác định là sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Song theo Tiến sỹ Trương Thu Trang (Trường Đại học Bạc Liêu), sở dĩ nghệ thuật dù kê chưa đến được với đông đảo công chúng và đặc biệt là chưa phục vụ nhiều cho phát triển du lịch, một phần là vì khâu quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng.

Sau khi đã xây dựng được sản phẩm du lịch từ nghệ thuật sân khấu dù kê phù hợp nhiều đối tượng thưởng thức, linh động trong nhiều không gian biểu diễn thì việc tiếp theo là cần quảng bá sản phẩm. Bởi vì, một sản phẩm du lịch dù hay và đẹp đến mức độ nào nếu không có quảng bá, sản phẩm ấy không thể đến được với du khách.

Có nhiều cách tăng cường quảng bá sản phẩm như: Thiết kế tờ rơi giới thiệu sản phẩm, biên soạn sách, với riêng tỉnh Trà Vinh có thể thực hiện đoạn clip quảng bá, giới thiệu về nghệ thuật dù kê đưa lên các trang mạng xã hội, đưa dù kê vào biểu diễn trong không gian hội chợ về đêm, tuần lễ văn hóa du lịch, biểu diễn giới thiệu dù kê cho đoàn famtrip…
 
Còn với Sóc Trăng - địa phương nằm ở hạ nguồn sông Hậu và cũng có đông đồng bào Khmer sinh sống, theo ông Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng: Tỉnh có hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa liên quan đến đồng bào Khmer. Đại diện nhiều công ty lữ hành cũng đã trao đổi, nhận thấy Sóc Trăng có thế mạnh là văn hóa lễ hội, nhất là các lễ hội của đồng bào Khmer cần tiếp tục được bảo tồn và khai thác phục vụ du lịch.

Riêng đối với nghệ thuật dù kê, để đưa nghệ thuật sân khấu này vào chương trình chung phục vụ du lịch đòi hỏi có sự kiên trì và linh hoạt. Đặc biệt, cần có sự giới thiệu để du khách thấy rõ giá trị của loại hình nghệ thuật này, tăng cường quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, gửi kế hoạch chương trình đến các công ty lữ hành gắn với điểm đến và hoạt động du lịch khác ở Sóc Trăng./. (hết)
 Thanh Trà
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm