Mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu1B, thị trấn Lộc Thắng |
Để phát huy tiềm năng, lợi thế về cây chè, huyện đã tích cực chuyển đổi nhiều diện tích chè hạt già cỗi, năng suất thấp sang những giống chè cành cao sản TB14 và chè chất lượng cao Oolong (hay còn gọi là chè Ô Long) tại các xã, thị trấn có điều kiện sinh thái phù hợp như: Lộc Thắng, Lộc Ngãi, Lộc An, Lộc Thành, Lộc Quảng,… Đến nay, Bảo Lâm đã chuyển đổi được 6.425 ha chè, góp phần đưa năng suất chè của huyện tăng cao, đạt 130 tạ chè búp tươi/ha/năm.
Đồi chè Oolong (giống chè Đài Loan) ở xã Lộc Tân - giống chè được chuyển đổi đem lại giá trị kinh tế cao |
Sản xuất chè đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào trong huyện |
Bên cạnh việc chuyển đổi giống chè mới, Bảo Lâm còn phối hợp với một số doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn triển khai xây dựng những vùng nguyên liệu chè an toàn theo hướng VietGAP, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất chè an toàn chất lượng cao, nông dân được hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Thuận, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm hướng dẫn bà con phương pháp chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP |
Thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 135, 30a..., huyện Bảo Lâm đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường giao thông, tạo thuận lợi cho ngành chè phát triển |
Công ty cổ phần chè Minh Rồng tổ chức thu mua chè cho bà con |
Trong quá trình hỗ trợ nâng cao giá trị cây chè, Bảo Lâm đã mở 20 lớp tập huấn về sản xuất chè giống mới, sản xuất chè an toàn; 135 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái… cho hơn 5.250 lượt nông dân.
Để cây chè tiếp tục trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội, ông Đậu Văn Xuân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm cho chúng tôi biết thêm: huyện sẽ mở rộng diện tích trồng chè theo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2020 đạt 12.000 ha, năng suất đạt khoảng 140 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 168.000 tấn với chất lượng đáp ứng nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Huyện cũng xây dựng khoảng 300 ha chè an toàn và ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Lộc Quảng, Lộc Thắng, Lộc Tân và B’lá để từ đó có cơ sở nhân rộng sang các vùng phụ cận; khuyến khích bà con nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc theo quy trình an toàn, thực hiện liên doanh liên kết giữa người nông dân với các doanh nghiệp chế biến để giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm chè...
Hoàng Tâm - Nam Sương