Chiều 18/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo “Đánh giá kết quả chọn tạo các giống Bạc Liêu, định hướng phát triển giống lúa BL9”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ vui mừng khi Bạc Liêu có giống lúa mới BL9, là giống lúa đầu tiên của tỉnh được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với ngành nông nghiệp, đánh dấu sự thành công bước đầu trong lĩnh vực trồng trọt đã tạo ra giống lúa mới, riêng của tỉnh Bạc Liêu.
Ông Phạm Văn Thiều đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực phối hợp với các địa phương phổ biến giống lúa BL9 vào sản xuất theo đúng quy định. Đồng thời, từng bước quy hoạch vùng sản xuất an toàn, hữu cơ, nhất là xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu lúa gạo mang thương hiệu Bạc Liêu; trong đó, chú trọng nhãn hiệu, thương hiệu gạo vùng sản xuất tôm - lúa Bạc Liêu góp phần nâng cao giá trị lúa gạo và phát triển bền vững.
Ngành nông nghiệp cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong việc xây cánh đồng lớn bao tiêu giống lúa BL9, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, đem lại lợi ích cho nông dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh.
Ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết, Giống lúa BL9 do Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu chọn lọc, được công nhận lưu hành theo Quyết định số 298/QĐ-TT-VPPN ngày 21/8/2023 của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lúa có thời gian sinh trưởng 100-105 ngày; năng suất vụ Hè Thu và Thu Đông đạt 5,5- 6,5 tấn/ha, vụ Đông Xuân 7-7,5 tấn/ha.
Theo kết quả phân tích của Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Nam bộ: gạo BL9 thơm nhẹ, hạt thon dài, đẹp, hạt cơm bóng dẻo, có vị ngọt để nguội cơm không khô, tỉ lệ gạo nguyên khá từ 52 – 57%. Đặc biệt, kết quả khảo nghiệm tại nhà lưới của đơn vị, giống BL9 có khả năng chịu mặn ở nồng độ nước trên 4 ‰.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, trước tình hình khí hậu biến đổi ngày càng phức tạp, để giúp nông dân thích ứng với những khó khăn trong canh tác lúa, đồng thời lựa chọn các giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh đã lai tạo những giống lúa thơm chất lượng cao đủ điều kiện xuất khẩu. Trong đó, nổi trội nhất là giống lúa BL9 vừa được Cục Trồng trọt công nhận nhận lưu hành đặc cách.
Ông Lưu Hoàng Ly cho biết, để khai thác thế mạnh sản giống lúa BL9, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu các phân khúc của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Cùng với đó, tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lúa gạo, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp; hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với sản lượng lớn, bảo đảm chất lượng.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân thảo luận về các giải pháp đưa giống lúa BL9 vào sản xuất đại trà theo quy mô lớn, liên kết bao tiêu sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.
Tuấn Kiệt