Triển vọng giống lúa HATRI 200 có khả năng chống chịu hạn mặn

Triển vọng giống lúa HATRI 200 có khả năng chống chịu hạn mặn

Viên Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long (Viện HATRI) vừa công bố giống lúa HATRI 200 - một giống lúa đặc sản đầy tiềm năng đã được Viện nghiên cứu từ năm 2017.

HATRI 200 là giống lúa có nguồn gốc từ giống lúa Japonica (lúa hạt tròn, lúa Nhật). Giống lúa HATRI 200 có ưu điểm: thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày, thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá từ 10 – 13 chồi/bụi; đặc điểm hạt gạo tròn, chiều dài 6,2mm.

Giống lúa HATRI 200 lần đầu tiên được trồng thử nghiệm tại Bến Tre trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu "Đánh giá các giống lúa chịu mặn và phẩm chất phục vụ biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long" của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện HATRI.

Bến Tre là một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn mặn, thời gian qua tỉnh đã tìm kiếm và trồng thử nghiệm nhiều giống lúa chịu mặn, nhưng hầu hết, các giống lúa chỉ có khả năng chịu được độ mặn khoảng 2 phần nghìn.

Nhận được sự chuyển giao từ Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long, giống HATRI 200 đã được gieo xuống đồng ruộng của tỉnh với kỳ vọng đây sẽ là giống lúa phù hợp, giúp bà con nông dân có thể làm được 3 vụ lúa/năm.

Sau thời gian thử nghiệm, giống lúa HATRI 200 cho thấy hiệu quả chống chịu hạn, mặn tốt, trên 5 phần nghìn, phù hợp gieo trồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo đánh giá của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, giống lúa HATRI 200 được xem là một trong những giống lúa có khả năng chịu mặn cao nhất hiện nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, giống lúa HATRI 200 cho năng suất ổn định, trung bình từ 6,5 – 7 tấn/ha. Việc nghiên cứu và lai tạo thành công giống lúa HATRI 200 chất lượng cao, có ưu thế chống chịu hạn, mặn không chỉ giúp nông dân thuận lợi canh tác trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà còn nâng cao giá trị hạt gạo, đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ thị trường xuất khẩu.

Trải qua 3 mùa vụ được khảo nghiệm quốc gia, giống lúa cho thấy hiệu quả thích ứng hạn mặn tốt ở vùng đất của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Hiện tại, Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện các thủ tục để giống lúa HATRI 200 được cấp phép lưu hành.

Lưu ý đối với việc canh tác giống lúa chống chịu hạn, mặn, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang khuyến nghị: các địa phương, bà con nông dân cần ứng dụng cơ giới hóa, các giải pháp canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu như: sử dụng máy sạ cụm, quy trình phân bón hợp lý, thân thiện với môi trường, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),… Từ đó, giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí sản xuất, phát huy các đặc tính nổi bật của các giống lúa.

Ngoài giống lúa HATRI 200 chịu được hạn, mặn cao, Viện HATRI còn nghiên cứu một số giống lúa triển vọng có khả năng chống chịu khô hạn, mặn tốt như: HATRI 930, HATRI 929, HATRI 50, HATRI 9, HATRI 195, HATRI 183…

Khoảng 5 năm trở lại đây, "ngân hàng lúa giống" tại Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long luôn có trên 1.000 giống lúa được lưu trữ, bảo quản; trong đó, có khoảng 30 giống đã được cung cấp cho các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung trồng khảo nghiệm; 5 giống lúa đã hoàn thành khảo nghiệm và được phép lưu hành; 3 giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp.

Trong quá trình chuyển giao giống lúa cho các địa phương, Viện HATRI cũng phối hợp với một số doanh nghiệp thực hiện bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân, hợp tác xã.


Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm