Hộ nông dân Dương Văn Huy ở thôn 16, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam được Hội Nông dân tỉnh chuyển giao kỹ thuật trồng na chín sớm, phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Về các xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Vô Tranh (huyện Lục Nam) những ngày này, vào buổi sáng sớm, cảnh người dân thu hoạch, thương lái mua bán na rất nhộn nhịp. Cây na được trồng trên địa bàn huyện Lục Nam từ những năm 1960 nhưng phải đến năm 1995, phong trào trồng na mới phát triển mạnh. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp giúp na dai Lục Nam luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Anh Lâm Văn Tĩnh, thương lái đã có hơn 10 năm buôn na đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc nhận xét, quả na Lục Nam có hương vị thơm ngon, ngọt mát, ít hột, quả to đều, có vị ngọt khác so với na ở những địa phương khác nên nhiều người thích mua. Nhà có 1 ha trồng na, với khoảng 1.000 cây, vụ này, gia đình ông Phương Minh Hiến, ở thôn Khuyên, xã Huyền Sơn, Lục Nam, Bắc Giang ước tính thu về khoảng 6,5 tấn quả, với giá bán dao động từ 28.000 - 35.000 đồng/kg, ông sẽ thu về hơn 200 triệu đồng. Hiện gia đình ông Hiến đang trồng thử nghiệm giống na có quả màu tím, nếu kết quả tốt, thời gian tới ông sẽ mở rộng diện tích giống na này.
Hộ nông dân Dương Văn Huy ở thôn 16, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam được Hội Nông dân tỉnh chuyển giao kỹ thuật trồng na chín sớm, phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Ông Hiến cho biết, mỗi năm, gia đình thu hoạch 2 vụ na, với tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Trồng na không mất nhiều công chăm sóc, đầu tư chi phí không lớn, ít sâu bệnh, lại ít bị mất mùa, giá cả khá ổn định, thương lái hay tìm đến tận vườn để thu mua. Tính ra trồng na mang lại nguồn thu gấp mấy chục lần trồng lúa và ngang ngửa với những loại cây ăn quả khác. Đặc biệt, mấy năm gần đây, người trồng na ở địa phương đã biết áp dụng phương pháp cho na ra quả rải vụ, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt, bị thương lái ép giá. Dẫn chúng tôi đi thăm một số vườn na, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất na dai Lục Nam Bùi Văn Quang cho biết, trước đây, mỗi vụ thu hoạch na chỉ kéo dài một tháng nên người trồng na thu hoạch khá vất vả, lại hay bị thương lái ép giá. Nhưng nay, người dân nơi đây đã biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, bằng phương pháp cho na ra quả rải vụ, tức là kéo dài thời gian thu hoạch na, bằng cách tỉa cành vào những thời điểm nhất định và sử dụng chất dinh dưỡng hợp lý để na có thể ra quả ngay trên thân cây và vào những thời điểm thích hợp. Để làm được điều này, từ tháng Giêng, người dân bắt đầu tỉa cành, kích thích cây ra hoa, đến khoảng tháng 6 sẽ cho thu hoạch vụ na đầu tiên. Song song với việc thu hoạch, để kích thích cây ra hoa đợt hai, người dân lại tiếp tục tỉa cành và bón chất dinh dưỡng phù hợp. Như vậy, đến khoảng tháng 11 sẽ được thu hoạch vụ na thứ hai. Với cách làm này, những khu vườn na đang thu hoạch sẽ xen lẫn với những vườn bắt đầu ra hoa. Đặc biệt, quả na ra trái vụ vẫn thơm ngon, chất lượng như na chính vụ. Hiện nay, diện tích trồng na trên địa bàn huyện Lục Nam khoảng 1.730 ha; trong đó, 850 ha sản xuất theo hướng VietGAP và đã có 65 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Sản lượng na trung bình hàng năm của huyện đạt khoảng 14.000 tấn, tổng thu nhập khoảng 350 tỷ đồng. Nhận thấy giá trị của cây na, huyện Lục Nam đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cây trồng. Năm 2012, huyện đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất na, tập trung ở các xã Huyền Sơn, Đông Phú, Vô Tranh, Nghĩa Phương…. Trên cơ sở đó, đánh giá chất lượng đất phù hợp để trồng na và khuyến cáo người dân chỉ mở rộng diện tích trên những vùng đất phù hợp để đảm bảo chất lượng quả na. Để thuận tiện cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, năm 2014, Hợp tác xã sản xuất na dai Lục Nam được thành lập, là địa chỉ tin cậy cho người trồng na giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để từng bước xây dựng thương hiệu na dai Lục Nam. Với những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Na dai Lục Nam". “Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị trường tiêu thụ na Lục Nam vẫn chủ yếu là tự phát, chưa có doanh nghiệp nào ký kết hợp đồng kinh doanh, thu mua với địa phương nên cũng nhiều khi bị ép giá”. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất na dai Lục Nam Bùi Văn Quang cho biết thêm. Để phát triển thương hiệu na dai Lục Nam, từ năm 2014 đến nay, huyện Lục Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho người dân. Đó là, mỗi năm huyện hỗ trợ 70 triệu đồng để làm bao bì, nhãn mác cho sản phẩm. Năm nay, huyện tiếp tục hỗ trợ 20 triệu đồng để gắn tem truy xuất nguồn gốc cho quả na. Đồng thời, huyện cũng đang tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm na dai Lục Nam, với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9/2019 na dai Lục Nam sẽ được cấp chỉ dẫn địa lý. “Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm na dai Lục Nam, huyện sẽ tiếp tục củng cố và kiện toàn Hợp tác xã na dai hiện có và phát triển thêm một số hợp tác xã na dai khác trên địa bàn; tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm na dai Lục Nam. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí để phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại cho quả na. Cùng đó, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm na dai Lục Nam". Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam Lương Thế Tuấn cho biết.
Thúy Phương