Nằm ở khu vực cửa ngõ miền Đông Nam Bộ hướng ra Biển Đông, du lịch sinh thái là một loại hình du lịch đặc trưng, được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chú trọng phát triển, tạo sự đa dạng về điểm đến, tăng trải nghiệm cho du khách theo hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường.
Phát triển dựa trên thế mạnh
Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên, môi trường và cộng đồng với những nét văn hóa bản địa. Trên cơ sở thế mạnh từng địa phương, bên cạnh sản phẩm đã được định vị là du lịch biển, đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai nhiều giải pháp phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn khai thác với bảo tồn, giới thiệu cảnh quan, mô hình canh tác, những đặc sản cùng nét văn hóa đặc trưng.
Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, du lịch là một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh, trong đó du lịch sinh thái là một trong tám loại hình du lịch được xác định phát triển mạnh trong giai đoạn 2020-2025. Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, khu Ramsa biển - đảo Vườn quốc gia Côn Đảo, sông, biển… là những nguồn tài nguyên rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, cùng với các sản phẩm đã được khẳng định thuộc loại hình du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, tại hai thành phố Bà Rịa và Vũng Tàu tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với dịch vụ đường sông, các điểm du lịch sinh thái. Thị xã Phú Mỹ phát triển các điểm đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, Hắc Dịch.., tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Ro. Huyện Côn Đảo tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa, thưởng thức ẩm thực, các đặc sản nho rừng và sâm Côn Đảo, phát triển du lịch cộng đồng ven núi Côn Đảo, từ trung tâm Côn Sơn - Lò Vôi - ngã ba hồ Tam Lộ vào đường Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, An Sơn miếu - trung tâm Côn Sơn; đồng thời khuyến khích cộng đồng cung cấp các dịch vụ lưu trú, trải nghiệm, khám phá văn hóa bản địa. Huyện Xuyên Mộc phát triển du lịch cộng đồng gắn với các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch gắn với vườn cây ăn trái, chăn nuôi. Huyện Châu Đức phát triển các sản phẩm du lịch gắn với hoạt động trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm từ mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), đây chính là khu bảo tồn rừng nguyên sinh ven biển còn tương đối nguyên vẹn ở nước ta. Những năm gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu là điểm đến du lịch sinh thái được nhiều du khách biết tới. Đến khu bảo tồn, du khách được tìm hiểu về các loài sinh vật quý hiếm, tham quan vườn sưu tập cây gỗ rừng, thưởng lãm bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp hoang sơ, xanh mát, có những hoạt động trải nghiệm như đi bộ, leo núi, trồng cây, thư giãn trong làn nước suối khoáng nóng, từ đó hiểu hơn giá trị của hệ sinh thái rừng và sự cần thiết của bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.
Tại xã Xà Bang (huyện Châu Đức), Khu du lịch sinh thái Binon Cacao Park do Công ty Cổ phần Binon Cacao đầu tư và khai thác cũng là điểm đến du lịch sinh thái được nhiều du khách lựa chọn khi đến du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà Lý Thị Tú Anh, Trưởng Bộ phận hành chính-nhân sự Công ty Cổ phần Binon Cacao cho biết: Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có diện tích trồng ca cao lớn trong cả nước. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, các sản phẩm ca cao của tỉnh đã từng bước khẳng định được chất lượng, vị thế trên thị trường. Từ lợi thế này đưa vào hoạt động khu du lịch sinh thái, Công ty luôn chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường tự nhiên, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên khu du lịch với hồ nước, cây xanh, phát triển những vườn trồng cây ca cao (nguyên liệu làm socola), giúp du khách có khoảng thời gian thư giãn, trải nghiệm thú vị trong môi trường thiên nhiên trong lành, từ đó hiểu hơn giá trị của những đặc sản được làm ra từ cây trái ở mỗi vùng đất. Du khách đến Khu du lịch sinh thái Binon Cacao Park sẽ được hướng dẫn tham quan những vườn trồng ca cao, trải nghiệm hoạt động thu hái quả, thực hành các công đoạn như tách hạt, phơi, rang, nghiền, trộn bột ca cao và lên khuôn, đóng gói sản phẩm socola.
Chiến lược cho điểm đến Côn Đảo
Huyện đảo Côn Đảo là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh nổi trội để phát triển loại hình du lịch sinh thái ở Bà Rịa-Vũng Tàu, bên cạnh các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch biển đảo. Một trong những điểm nhấn về du lịch sinh thái được định hướng phát triển tại Côn Đảo là điểm đến Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Côn Đảo có 1.077 loài thực vật bậc cao, thuộc 640 chi, 140 họ, 155 loài thuộc hệ động vật rừng. Ngoài ra, Vườn còn có hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, trên 1.720 loài sinh vật biển. Đặc biệt, nơi đây có rùa biển lên sinh sản hàng năm, đồng thời là nơi thực hiện việc cứu hộ, bảo tồn loài rùa Xanh nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của Đông Nam Á-Ấn Độ Dương. Các hệ sinh thái tự nhiên, có giá trị cao về đa dạng sinh học rừng, đất ngập nước và biển, rất thuận lợi cho hình thành các loại hình du lịch sinh thái có đẳng cấp quốc gia, quốc tế, thu hút du khách yêu thích khám phá thiên nhiên, tìm hiểu các hệ sinh thái tự nhiên.
Theo ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, để bảo tồn vốn quý, bảo vệ tài nguyên môi trường, đồng thời phát triển du lịch hiệu quả, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Côn Đảo, giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, các tiềm năng tự nhiên và cảnh quan, môi trường, sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái đất ngập nước, rừng, biển, di tích lịch sử sẽ được bảo tồn, gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, thông qua phát triển du lịch góp phần tuyên truyền, giáo dục đến người dân và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, nhân văn của Côn Đảo, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Tại Vườn, các sản phẩm du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng là trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng và xem thả rùa con về biển; bơi, lặn khám phá hệ sinh thái biển; tham quan yến tự nhiên làm tổ, khám phá sân chim biển ở đảo Hòn Trứng. Ngoài ra còn có các sản phẩm có tiềm năng phát triển cao tại khu vực Vườn Quốc gia như khám phá thiên nhiên, giải trí nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Tại Côn Đảo xây dựng 17 tuyến du lịch sinh thái như: Tuyến đảo Côn Sơn - các đảo nhỏ, đảo Côn Sơn - hòn đảo Tài - hòn đảo Bảy Cạnh, tuyến đảo Côn Sơn - bãi Dương - vịnh Đầm Tre, tuyến đảo Côn Sơn - đảo Hòn Trứng - vịnh Đầm Tre, tuyến cầu Ma Thiên Lãnh- hồ An Hải- núi Thánh Giá, tuyến Sân bay Cỏ Ống - hòn đảo Cau...
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề ra nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, biển, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Đó là: Xác định rõ ranh giới cho thuê môi trường rừng ngoài thực địa và trên bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật thông tin diễn biến tài nguyên rừng, xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên thiên nhiên rừng, biển. Các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, biển; đẩy mạnh các hoạt động trồng bổ sung cây xanh bản địa đối với diện tích đất trống phù hợp với điều kiện sinh thái và những cây gỗ bản địa có giá trị cao về kinh tế. Tại Vườn phát triển các cây đặc sản rừng, cây thuốc bản địa và nuôi cấy, khoanh nuôi phục hồi san hô, di dời và cứu hộ rùa biển để giới thiệu đến du khách. Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng phát triển các chương trình truyền thông, giáo dục bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, người dân và du khách thông qua các trò chơi, diễn giải môi trường, hướng dẫn du khách ứng xử tốt với môi trường.
Thanh Trà