Ban đầu anh nuôi 8 con dê, 10 con lợn, 30 con gà vịt. Thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, đàn vật nuôi của gia đình anh thường bị bệnh, hiệu quả kinh tế không cao.
Anh Sùng Có Mù chăm sóc đàn trâu.
|
Được sự động viên của gia đình, anh tiếp tục học hỏi qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, thú y mà xã, huyện tổ chức. Đến năm 2013, anh Mù vay mượn thêm của anh em và cùng với số vốn tích cóp trong 2 năm trước mở rộng quy mô sản xuất. Anh tập trung nuôi lợn, dê, gà, trâu sinh sản và trồng 2 ha lúa. Sau một năm thực hiện, gia đình anh đã thu trên 180 triệu đồng từ bán gia súc, gia cầm, nông sản.
Anh Mù tâm sự: “Thấy cuộc sống vất vả, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mình nghĩ không biết bao giờ thoát được đói nghèo. Nhưng rất may, năm 2011, khi nghe xã thông báo tín chấp với Ngân hàng cho bà con vay vốn phát triển sản xuất, tôi quyết định vay đầu tư vào chăn nuôi và trồng lúa. Ban đầu khi đàn vật nuôi bị bệnh thì nản lắm. Nhưng nghĩ lại muốn thoát cảnh đói nghèo phải chịu khó, quyết tâm làm lại từ đầu”.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ số tiền có được anh dành một ít để trang trải cuộc sống, đồng thời tiếp tục tái đầu tư tăng đàn, mở rộng diện tích và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ bệnh dịch. Nhờ đó, năm 2014, từ thu hoạch trên 2 tấn thóc, 3 tấn ngô và bán gia súc gia cầm anh ước tính tổng thu nhập đạt 200 triệu đồng. Đặc biệt năm 2015, anh tập trung nuôi 10 con trâu theo hình thức nuôi nhốt mà không thả rông như trước, gieo trồng lúa lai trên toàn bộ 2 ha ruộng và nuôi thêm cá, vịt. Không phụ công lao cố gắng của anh, thu nhập ngày càng tăng, điều này không hề đơn giản đối với hộ đồng bào ở vùng khó khăn như xã Làng Mô.