An Giang - trung tâm đầu mối lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, tỉnh An Giang phấn đấu có từ 50 - 70% quy trình được tự động hóa qua ứng dụng thông minh, 70 - 80% diện tích lúa chất lượng cao được cấp mã số vùng trồng. An Giang định hướng ngành lúa gạo trở thành hạt nhân, động lực của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...

1A.jpg
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại huyện Thoại Sơn (An Giang). Ảnh: Công Mạo

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: An Giang là tỉnh có lợi thế lớn về nông nghiệp với trên 80% diện tích là đất nông nghiệp, nguồn nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa, 65% lao động nông thôn có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Đặc biệt, ngành hàng lúa gạo An Giang đã và đang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cấp mã số vùng trồng.

6A.jpg
Hoạt động nghiên cứu giống lúa của cán bộ Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành ở huyện Thoại Sơn (An Giang). Ảnh: Công Mạo
5.jpg
Bà con nông dân xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) chăm sóc lúa Đông Xuân 2023 - 2024. Ảnh: Công Mạo

Bên cạnh việc duy trì hơn 200.000 ha đất trồng lúa, An Giang đã ban hành đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. An Giang phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng công nghệ số cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho 70 - 80% diện tích lúa chất lượng cao; diện tích lúa sản xuất được bao tiêu đạt từ 200.000 - 250.000 ha thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã.

3A.jpg
Đóng gói gạo xuất khẩu tại nhà máy của một doanh nghiệp ở An Giang. Ảnh: Công Mạo

Mới đây, An Giang đã ký hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai dự án “Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại tỉnh An Giang”. Triển khai trên địa bàn xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành với tổng diện tích 200 ha, tổng vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng, thực hiện quy trình sản xuất tự động thông minh, Trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng.

2A.jpg
Nông dân tỉnh An Giang liên kết với doanh nghiệp thu hoạch lúa trên cánh đồng đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Công Mạo
4.jpg
Vận chuyển gạo lên tàu xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo

Giữ vai trò kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và các nước ASEAN, An Giang có nhiều cơ hội trở thành trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của vùng, đưa thương hiệu lúa gạo Việt Nam vươn ra thế giới, qua đó góp phần phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung theo hướng bền vững.

Công Mạo

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm