Ai Cập phát hiện tàn tích của thành phố nghìn năm tuổi

Ai Cập phát hiện tàn tích của thành phố nghìn năm tuổi

Các nhà khảo cổ học mới đây đã phát hiện ra tàn tích của một thành phố nghìn năm tuổi tại khu vực sa mạc bên ngoài thành phố Luxor, đồng thời cho biết đây là thành phổ cổ lớn nhất từ trước đến nay từng được khai quật tại Ai Cập.

Ai Cập phát hiện tàn tích của thành phố nghìn năm tuổi ảnh 1Tàn tích thành phố 3000 năm tuổi được phát hiện gần Luxor, Ai Cập, ngày 8/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại Zahi Hawass khẳng định "thành phố vàng" này đã được phát hiện gần Luxor, nơi có Thung lũng các vị vua - chốn yên nghỉ của giới lãnh chúa pharaoh dưới thời Vua Mới, một triều đại cực thịnh từng trị vì Ai Cập suốt thời kỳ dài từ năm 1539 - 1078 Trước Công nguyên. Theo thông báo ngày 8/4 của nhóm nghiên cứu, thành phố này đã 3.000 năm tuổi, được xây dựng vào thời Vua Amenhotep III. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ trang sức như nhẫn, các bình gốm nhiều màu sắc, bùa bọ hung và gạch bùn mang các con dấu của Amenhotep III.

Giáo sư về nghệ thuật và khảo cổ học Ai Cập của Đại học Johns Hopkins, Betsy Bryan đánh giá đây là thành quả khảo cổ quan trọng thứ hai sau khám phá lăng mộ của Vua Tutankhamunc cách đây gần 1 thế kỷ. Trước đó, nhiều đoàn khảo cổ của nước ngoài từng cố gắng tìm kiếm thành phố này nhưng chưa bao giờ thành công.

Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu công tác khai quật vào tháng 9/2020, tại khu vực nằm giữa đền Ramses III và Amenhotep III gần Luxor, cách thủ đô Cairo 500 km về phía Nam. Chỉ trong vài tuần, những lớp gạch bùn đã dần lộ diện trước sự kinh ngạc của nhóm khai quật. Họ đã phát hiện ra một thành phố lớn được bảo quản tốt, với các bức tường gần như còn nguyên vẹn, cùng các căn phòng chứa đầy các vật dùng trong đời sống hằng ngày.

Sau 7 tháng đào bới, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm nhiều khu vực mới, như xưởng bánh, lò gốm, hay các quận hành chính và khu dân cư còn nguyên vẹn sau hàng nghìn năm bị chôn vùi. Nhóm nghiên cứu cũng tỏ ra lạc quan rằng sẽ có thêm nhiều phát hiện quan trọng trong tương lai, điển hình như nhóm lăng mộ mới mà họ tiếp cận thông qua những dãy "cầu thang chạm khắc trên đá" - một công trình kiến trúc cũng thường xuất hiện tại các lăng mộ ở Thung lũng các vị vua. Giáo sư Bryan cho biết thành phố này sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu sâu hơn về đời sống của người Ai Cập cổ vào thời điểm vương quốc đang ở trong giai đoạn thịnh vượng nhất.

Đặng Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm