70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022): Bước phát triển mới trong chỉ đạo chiến lược của Đảng

70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022): Bước phát triển mới trong chỉ đạo chiến lược của Đảng

Cách đây 70 năm, từ ngày 14/10 đến 10/12/1952, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tổ chức thành công Chiến dịch Tây Bắc. Chiến thắng này là sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa lịch sử mang tầm chiến lược, khẳng định bước phát triển mới trong tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng. Đó là kết quả của việc nắm vững quy luật vận động cách mạng và chiến tranh giải phóng ở nước ta; khẳng định bước phát triển của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022): Bước phát triển mới trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ảnh 1

Tây Bắc - địa bàn chiến lược quan trọng

Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng. Từ đây, địch có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào. Lực lượng địch chiếm đóng ở Tây Bắc có 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, 11 khẩu pháo bố trí phân tán trên 144 cứ điểm, gồm phần lớn là quân ngụy. Lực lượng Âu-Phi có 3 tiểu đoàn chốt ở Sơn La, Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động; ngoài ra có tiểu đoàn dù ở Hà Nội khi cần, dùng đường không cơ động đến tăng viện.

Vùng Tây Bắc thời kỳ này gồm 5 tỉnh là Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Nghĩa Lộ là vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở, đất rộng, người thưa. Phía Tây giáp với 2 tỉnh của Lào (Phong Xa Lỳ, Sầm Nưa), phía Đông giáp với căn cứ địa Việt Bắc, phía Bắc là biên giới Việt Nam-Trung Quốc (đối diện tỉnh Lào Cai là tỉnh Vân Nam), phía Nam giáp với tỉnh Hòa Bình, thông với Liên khu 3 và Liên khu 4. Sông Thao, sông Mã, sông Đà là ba con sông lớn, quanh năm nước chảy xiết và chia cắt Tây Bắc thành các khu vực.
Đường vào Tây Bắc chỉ có hai trục lớn là đường số 41 từ Hòa Bình đi Mộc Châu (Sơn La) và đường số 13 từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ. Đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc chủ yếu là Mông, Dao, Thái, Mường và Kinh có lịch sử phát triển lâu đời, có truyền thống yêu nước, cách mạng.

Tầm nhìn và chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chiến thắng Tây Bắc 1952 bắt nguồn từ tầm nhìn chiến lược, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng, trong đó nội dung cốt lõi là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

Rút kinh nghiệm từ các chiến dịch trước, bước sang năm 1952, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng, chọn địa bàn Tây Bắc để mở chiến dịch trong Thu Đông 1952.

Nhận định, Tây Bắc là địa bàn có tầm quan trọng về chiến lược, nhưng do địch khủng bố, ra sức tuyên truyền xuyên tạc, nên hiểu biết của nhân dân về cách mạng, về đường lối kháng chiến của Đảng chưa đầy đủ, cơ sở quần chúng của cách mạng yếu, phong trào du kích chiến tranh phát triển không đều. Kinh tế nghèo, lạc hậu, đời sống nhân dân rất khó khăn, Bộ Chính trị đề ra ba nhiệm vụ cho Chiến dịch Tây Bắc, đó là: tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; tranh thủ nhân dân và giải phóng một bộ phận đất đai Tây Bắc. Ba nhiệm vụ có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó tiêu diệt sinh lực địch là nhiệm vụ chính. Như vậy, nhiệm vụ Chiến dịch Tây Bắc đã phản ánh sự kết hợp chặt chẽ, rõ nét hơn giữa nhiệm vụ quân sự với nhiệm vụ chính trị, đây cũng là nét mới về tư duy nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật chiến dịch nói riêng của Đảng ta.

Về tổ chức lực lượng, Bộ Chính trị nhất trí với đề nghị của Tổng Quân ủy, điều động các đại đoàn chủ lực (308, 312, 316) và một số đơn vị binh chủng cùng lực lượng vũ trang địa phương tham gia chiến dịch, do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Tổng quân số trực tiếp chiến đấu trong phạm vi chiến dịch khoảng 35.000 quân (không kể quân số các hướng nghi binh phối hợp). Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.

Về công tác hậu cần, Trung ương Đảng đặc biệt coi trọng, vì Tây Bắc là chiến trường xa căn cứ hậu phương của ta, địa hình rừng núi hiểm trở, nguồn nhân lực, vật chất tại chỗ hạn chế. Nhưng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã huy động được gần 20 vạn dân công từ khắp các Liên khu Việt Bắc, Khu Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với tổng số gần 7 triệu ngày công tham gia phục vụ chiến dịch. Các địa phương đã cung cấp cho chiến dịch hơn 11.000 tấn gạo, cùng hàng trăm tấn thực phẩm, vật chất. Có thể nói, trong bối cảnh chiến tranh và khó khăn ngày ấy, đây là cố gắng phi thường, biểu hiện ý chí cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của kháng chiến.

Đặc biệt trong chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự Hội nghị cán bộ bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Tây Bắc (diễn ra từ ngày 6 đến 9/9/1952) động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công toàn mặt trận.

Về tổ chức, sử dụng lực lượng: nét nổi bật về tổ chức, sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Tây Bắc là ta đã tập trung lực lượng tiến công, đột phá liên tục, tiêu diệt từng khu vực phòng ngự gồm nhiều cứ điểm, cụm cứ điểm của địch; kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng lực lượng tiến công địch trong công sự với lực lượng ngăn chặn, đón lõng địch phản kích hoặc rút lui. Trong thực hành chiến dịch, ta linh hoạt tổ chức hướng vu hồi nhằm nghi binh hướng tiến công chủ yếu, góp phần giải phóng một vùng đất rộng lớn, phá vỡ phòng tuyến phía nam Lai Châu của địch; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng tiến công chính diện với lực lượng bao vây, vu hồi, chia cắt. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức lực lượng bao vây, kiềm chế, đánh chiếm các cứ điểm lân cận vòng ngoài; tập trung lực lượng ưu thế vào mục tiêu chủ yếu, tổ chức đội hình tiến công thành các bộ phận: Bộ phận tiến công trên hướng chủ yếu, thứ yếu; bộ phận tạo thế chặn viện, dương công; bộ phận hỏa lực chi viện chung; bộ phận hỏa lực chi viện trực tiếp.

Để giữ bí mật hướng chiến dịch, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo làm tốt công tác phòng gian, bảo mật; đồng thời tổ chức kế hoạch nghi binh rất chu đáo, chặt chẽ. Ta đưa một bộ phận quân chủ lực (Đại đoàn 320, Đại đoàn 304) cùng một số đại đội trinh sát của Bộ về tăng cường hoạt động ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (thuộc đồng bằng Liên khu 3). Các đại đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Bắc (308, 312, 316) đang đứng chân ở trung du Bắc Bộ được lệnh cơ động về Tây Bắc, để lại hệ thống điện đài thường dùng nguyên vị trí cũ và phát sóng theo phiên thường lệ... Hoạt động nghi binh đó của ta đã “đánh lừa” được Bộ chỉ huy quân Pháp. Chúng nhận định các đại đoàn 308, 312, 316 của ta “án binh bất động” ở trung du Bắc Bộ và phán đoán hướng tiến công chủ yếu của ta trong Thu Đông 1952 là đồng bằng Bắc Bộ và tìm cách chuẩn bị đối phó. Khi ta nổ súng chiến dịch Tây Bắc, quân Pháp rất bất ngờ, nhanh chóng rơi vào tình thế bị động, lúng túng và chịu thất bại. Đây cũng là nét đặc sắc về nghệ thuật nghi binh tài tình của ta.

Với cách đánh và tổ chức lực lượng phù hợp, Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ; giải phóng một vùng địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000 km2 với 250.000 dân), nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với Căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch, đảo lộn thế bố trí chiến lược của quân Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương, như tướng Pháp Nava (P. Henri Navarre) trong cuốn “Đông Dương hấp hối” sau này đã thừa nhận: thất bại tại Tây Bắc đã làm tăng khó khăn từ phạm vi Việt Nam ra đến toàn Đông Dương và hoàn toàn bất ngờ đối với phía Pháp.

Ý nghĩa lịch sử

Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử kháng chiến giành độc lập dân tộc, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Về quân sự, Chiến thắng Tây Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch (diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch), thu nhiều vũ khí trang bị. Đập tan thế bố trí lực lượng của địch tại vùng Tây Bắc và các cuộc hành quân, chi viện của địch, đẩy địch vào thế co cụm, phòng ngự bị động trên một số khu vực (Nà Sản).

Về chính trị, kinh tế, Chiến thắng Tây Bắc đã giải phóng được một vùng rộng lớn đất đai ở địa bàn chiến lược. Những cánh đồng rộng lớn như Điện Biên, Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy, Phù Yên lắm thóc, nhiều lâm thổ sản đã thuộc về ta, góp phần tạo thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, cơ sở Đảng, cơ sở chính trị và tiềm lực cho kháng chiến; mở rộng hậu phương kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953-1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam đó là giành và giữ vững được quyền chủ động trên chiến trường. Ta hoàn toàn chủ động lựa chọn chiến trường, mục tiêu và cách đánh với những lực lượng, quy mô khác nhau. Việc mở rộng được các vùng giải phóng, đặc biệt là kết nối thủ đô kháng chiến Việt Bắc với Tây Bắc, với Thượng Lào, Trung Quốc và kết nối với chiến trường vùng đồng bằng ở Liên khu 3, Liên khu 4 đã góp phần tăng thêm tiềm lực và tương quan sức mạnh giữa ta và địch, từng bước làm suy yếu và đẩy Pháp vào thế ngày càng bất lợi.

Chiến thắng Tây Bắc đã làm phá sản các chính sách quân sự, chính trị của thực dân Pháp tại Việt Nam, đẩy Pháp vào thế bị động về chiến lược, đồng thời giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp: Đập tan âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” và từng bước làm thất bại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; đẩy thực dân Pháp vào thế bị động, lúng túng về chiến lược (phân tán, mắc kẹt trong mẫu thuẫn giữa tập trung và phân tán; giữa tiến công ra vùng tự do và phòng ngự ở vùng đã kiểm soát; giữa bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ và bảo vệ Thượng Lào…).

Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, khả năng tác chiến, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn ở địa hình rừng núi, xa hậu phương, làm kinh nghiệm quý để ta tổ chức các chiến dịch với quy mô lớn hơn.

Chiến thắng Tây Bắc 1952 là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta, qua đó góp phần củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Chiến thắng Tây Bắc một mặt góp phần giải phóng phần lớn đất đai, dân số trên địa bàn chiến lược, mặt khác tạo điều kiện cho cách mạng Lào, đặc biệt là vùng Thượng Lào phát triển, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương Việt Nam-Lào-Campuchia từng bước phát triển tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc là dịp để ôn lại lịch sử cách mạng, tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phương Anh (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm