1/ Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Manila, sau phán quyết của tòa trọng tài ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Ngày 12/7, Toà Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Phán quyết nêu rõ "không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử ở Biển Đông và cái gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc vẽ ra là trái với UNCLOS.” Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
2/ Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời
Chủ tịch Cuba Raul Castro (giữa) đặt bình tro cốt cố Lãnh tụ Fidel Castro tại mộ phần của ông Fidel ở nghĩa trang Santa Ifigenia, thành phố Santiago de Cuba, miền đông Cuba ngày 4/12. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Nhà cách mạng vĩ đại và kiệt xuất của thế kỷ XX, người bạn lớn thân thiết của nhân dân Việt Nam, đã qua đời ngày 26/11, ở tuổi 90. Fidel Castro, người tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng Cuba và sáng lập Nhà nước XHCN đầu tiên tại Tây bán cầu, đã trở thành huyền thoại không chỉ trong lịch sử Cuba, mà còn của cả Mỹ Latinh và thế giới. Tang lễ của ông đã được Nhà nước Cuba tổ chức theo nghi thức quốc tang trong 9 ngày; nhiều hoạt động tượng niệm để tỏ lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ lịch sử của cách mạng Cuba đã được tổ chức trọng thể trên thế giới.
3. Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu
Ngay sau khi kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức. Ảnh: EPA/TTXVN
|
Đa số cử tri Anh đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6. Sự kiện này đã gây chấn động cả thế giới, làm thay đổi toàn bộ cục diện chính trị bên trong quốc gia vốn được coi là một trong những trụ cột của EU, đồng thời làm thay đổi kết cấu địa-chính trị trên thế giới, kéo theo những nguy cơ bất ổn lớn cho EU cả về chính trị, an ninh và kinh tế.
4. Chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 45 là cuộc rượt đuổi gay cấn giữa ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton (trái) và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Ngày 8/11, tỷ phú Donald Trump, một nhân vật có tư tưởng dân túy và chưa có kinh nghiệm chính trị, đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lần đầu tiên Mỹ có một tổng thống xuất thân từ giới doanh nhân. Những đường hướng chiến lược của ông Trump gây nhiều tranh cãi và khiến khó dự đoán về chính sách của chính quyền mới tại Mỹ.
5. Bất ổn an ninh tiếp tục ám ảnh toàn châu Âu
Hiện trường vụ xe tải đâm vào khu chợ Giáng Sinh đông đúc ở trung tâm thủ đô Berlin của Đức ngày 19/12. Ảnh: EPA/TTXVN
|
Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ…, với mức độ tàn bạo gia tăng, đã gây chấn động dư luận, đồng thời cho thấy những lỗ hổng an ninh cũng như sự hợp tác lỏng lẻo giữa các nước trong châu lục. Bên cạnh "bóng ma" khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư dai dẳng, những rối ren chính trị sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với những lo ngại về chính sách của chính quyền mới tại Mỹ... đang đặt Liên minh châu Âu trước những thách thức an ninh được coi là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
6. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (giữa), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (thứ 2, trái), Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và đại diện các nước chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 21) ở Paris, Pháp ngày 12/12/2015. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Sau khi được gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nước phát thải nhiều nhất thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... phê chuẩn, Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11, sớm hơn nhiều so với dự kiến. Điều này cho thấy sự nhận thức rõ rệt hơn về hiểm họa mà biến đổi khí hậu gây ra. Điển hình và mới nhất là đợt El Nino kéo dài từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kỷ lục tại Nam Á, cháy rừng tại Đông Nam Á, lũ lụt nghiêm trọng ở Mỹ Latinh.
7. Bước ngoặt lớn trong cuộc chiến tại Syria
Người dân Syria đổ ra đường mừng vui sau khi thành phố Aleppo được giải phóng hoàn toàn ngày 22/12/2016. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Với sự hỗ trợ của quân đội Nga, sau hơn một năm mở các chiến dịch tấn công, cuối tháng 12, quân chính phủ Syria đã giành lại kiểm soát gần như hoàn toàn Aleppo, thành phố chiến lược lớn thứ 2 của Syria, cũng là thành trì của phe nổi dậy. Diễn biến này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua giữa các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria với các nhóm khủng bố và phe đối lập.
8. Colombia đạt thoả thuận hoà bình lịch sử
Ngày 24/11, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (phải) và Thủ lĩnh tối cao Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono đã ký thỏa thuận hòa bình sửa đổi nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 52 năm ở nước này. Ảnh: EPA/TTXVN
|
Sau gần 4 năm đàm phán khó khăn, ngày 26/9, Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã ký kết thoả thuận hoà bình, chấm dứt 52 năm xung đột, mở ra cơ hội cho hòa bình, hòa giải dân tộc ở nước này. Sau khi bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân, thoả thuận sửa đổi giữa hai bên đã được ký kết ngày 24/11 và được Quốc hội Colombia chính thức thông qua ngày 1/12. Thỏa thuận được đánh giá là hình mẫu giải quyết các cuộc xung đột ở nhiều quốc gia khác, như Syria, Yemen và Nam Sudan... Với những đóng góp cho việc ký văn kiện lịch sử này, Tổng thống Colombia J.M.Santos đã được trao giải Nobel Hoà bình năm 2016.
9. Virus Zika lây lan rộng trên thế giới
Em bé 1 tháng tuổi mắc chứng đầu nhỏ tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: EPA/TTXVN
|
Từ đầu năm 2016, virus Zika, tác nhân gây nhiều bệnh hiểm nghèo, đã lây lan mạnh tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ ở Mỹ Latinh và Caribe, buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tiếp đó, dịch đã lan sang cả Mỹ, Canada, một số nước châu Âu và một loạt nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị hữu hiệu loại virus này.
10. "Hồ sơ Panama" khiến thế giới chấn động
Tổng thống Argentina Mauricio Macri là một trong hàng chục chính trị gia trên thế giới có tên trong các tài liệu bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca đóng trụ sở tại Panama. Ảnh: THX/TTXVN
|
Vụ rò rỉ tài liệu mật khổng lồ nhất từ trước tới nay, với hơn 11 triệu tài liệu được công bố, đã vén màn bí mật về các hoạt động trốn thuế và rửa tiền từ giữa thập niên 1970, liên quan tới hàng trăm nghìn công ty trên toàn cầu. Vụ việc đã gây chấn động cả thế giới, buộc chính quyền và cơ quan chức năng nhiều nước phải vào cuộc điều tra; nhiều quan chức, chính trị gia một số nước phải từ bỏ vũ đài chính trị.
TTXVN
TTXVN