10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2015 do TTXVN bình chọn

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2015 do TTXVN bình chọn

Năm 2015 khép lại với nhiều diễn biến tác động đến nhân loại. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi xin giới thiệu 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) bình chọn:

1. Chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN: 13 năm sau khi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề xuất ý tưởng về cộng đồng chung, ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tiến trình liên kết sâu rộng của ASEAN, hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn – Một bản sắc – Một cộng đồng”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 2, từ phải sang) cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia Lễ ký "Tuyên bố Kuala Lumpur" về thành lập Cộng đồng ASEAN và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/11. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 2, từ phải sang) cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia Lễ ký "Tuyên bố Kuala Lumpur" về thành lập Cộng đồng ASEAN và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/11. Ảnh: THX/TTXVN


2. Hành động của Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông: Trung Quốc gia tăng các hành động đơn phương ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng và tôn tạo trái phép các đảo và bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Dư luận khu vực và thế giới bày tỏ quan ngại sâu sắc và cảnh báo những hành động như vậy vi phạm luật pháp quốc tế, làm leo thang căng thẳng, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, hủy hoại môi trường sinh thái ở Biển Đông.

Hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi ngầm Mischief (Đá Vành Khăn) - một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters/ TTXVN
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi ngầm Mischief (Đá Vành Khăn) - một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters/ TTXVN


3. Thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố: Hàng loạt vụ đánh bom, bắt cóc con tin, xả súng, đặc biệt là các vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (ngày 7/1) và nhà hát Bataclan (ngày 13/11) ở Paris (Pháp), vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập (ngày 31/10)..., đã gây chấn động thế giới. Sự bành trướng và mức độ tàn bạo ngày càng tăng của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, cùng với việc Nga can dự quân sự vào Syria, đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với sự tham gia mạnh mẽ và rộng rãi của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ tấn công khủng bố ở một nhà hàng trung tâm Paris ngày 13/11/2015. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ tấn công khủng bố ở một nhà hàng trung tâm Paris ngày 13/11/2015. Ảnh: AFP/ TTXVN

 
4. Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu: Làn sóng người di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đổ vào châu Âu đã biến thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, gây ra hậu quả về an ninh, kinh tế - xã hội cho châu Âu và thế giới, đồng thời gây bất đồng về chính sách ứng phó trong nội bộ Liên minh châu Âu.

Người di cư Syria cố vượt qua hàng rào dây thép gai để vào Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/6/2015. Ảnh: AFP/TTXVN
Người di cư Syria cố vượt qua hàng rào dây thép gai để vào Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/6/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

 
5. Thỏa thuận lịch sử về ứng phó với biến đổi khí hậu: Ngày 12/12, 195 nước dự Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đối khí hậu (COP21) tại Pháp đã thông qua thỏa thuận nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, được đánh giá là mạnh mẽ và thể hiện sự hợp tác quốc tế rộng rãi nhất từ trước tới nay. Thỏa thuận đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2oC vào năm 2100 so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Các nước phát triển cam kết chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Thư ký điều hành Hội nghị COP 21 Christiana Figueres vui mừng khi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được thông qua, tại Le Bourget ngày 12/12. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Thư ký điều hành Hội nghị COP 21 Christiana Figueres vui mừng khi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được thông qua, tại Le Bourget ngày 12/12. Ảnh: AFP/ TTXVN

 
6. Giá dầu xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ: Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm gần 60% trong năm qua, xuống dưới 35 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ 2004. Nguyên nhân chính là do tình trạng dư cung dai dẳng, mức cầu dầu mỏ giảm, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm sản lượng; trong bối cảnh đó, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ đã áp dụng suốt 40 năm qua. Giá dầu giảm mạnh tác động lớn tới kinh tế và địa chính trị của nhiều nước, đặc biệt là các nước lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu hoặc nhập khẩu dầu mỏ. 

Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm gần 60% trong năm qua, xuống dưới 35 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 2004. Ảnh: AFP/ TTXVN
Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm gần 60% trong năm qua, xuống dưới 35 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 2004. Ảnh: AFP/ TTXVN


7. Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân then chốt: Sau 11 năm đàm phán căng thẳng, ngày 14/7, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được thỏa thuận lịch sử, theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa đại diện Iran và nhóm P5+1 tại thủ đô Vienna (Áo) ngày 14/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa đại diện Iran và nhóm P5+1 tại thủ đô Vienna (Áo) ngày 14/7. Ảnh: AFP/TTXVN


8. Động đất mạnh nhất ở Nepal trong tám thập kỷ: Hai trận động đất mạnh 7,8 độ richter (ngày 25/4) và 7,3 độ richter (ngày 12/5/2015), làm chấn động gần như toàn bộ đất nước Nepal, khiến 8.964 người chết và 21.952 người bị thương. Hai trận động đất này đã làm thay đổi nhiều cấu trúc địa chất tại Nepal và các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan. Liên hợp quốc ước tính có khoảng 8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực.
 

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sau động đất tại Sankhu, ngoại ô Kathmandu ngày 30/4. Ảnh: THX/ TTXVN
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sau động đất tại Sankhu, ngoại ô Kathmandu ngày 30/4. Ảnh: THX/ TTXVN


9. Vụ bê bối thế kỷ của FIFA: Hàng loạt quan chức cấp cao của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) bị cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và nhận hối lộ lên tới hàng trăm triệu USD, trong đó có những tên tuổi hàng đầu như Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini. Những vụ bê bối này đã làm hoen ố hình ảnh FIFA, đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng cải tổ mạnh mẽ tổ chức này. 

Ông Michel Platini (phải) chúc mừng ông Sepp Blatter (trái) tái đắc cử Chủ tịch FIFA tại cuộc họp ở Zurich, Thụy Sĩ ngày 29/5/2015. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Michel Platini (phải) chúc mừng ông Sepp Blatter (trái) tái đắc cử Chủ tịch FIFA tại cuộc họp ở Zurich, Thụy Sĩ ngày 29/5/2015. Ảnh: AFP/TTXVN


10. Tìm thấy hành tinh mới giống Trái Đất: Ngày 23/7, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời với nhiều đặc điểm giống Trái Đất nhất từ trước tới nay. Hành tinh được đặt tên là Kepler-452b, có đường kính gấp 1,6 lần đường kính của Trái Đất và nằm cách Trái Đất khoảng 1.400 năm ánh sáng, quay quanh một ngôi sao lớn có kích cỡ và độ sáng tương tự Mặt Trời, có dấu hiệu của nước trên bề mặt và một năm trên Kepler-452b có 385 ngày. Đây là phát hiện mang tính cách mạng, tăng thêm hy vọng cho công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Hình ảnh Trái đất (trái) và hành tinh mới Kepler-452b (phải). Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh Trái đất (trái) và hành tinh mới Kepler-452b (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm