Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, nhiều năm nay ở Yên Bái đã xảy ra tình trạng nhiều đồi keo chết hàng loạt gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người trồng rừng, vì vậy sở đã chỉ đạo cho các đơn vị chuyên môn điều tra, phát hiện, dự báo tình hình phát sinh gây hại của bệnh chết héo trên cây keo, phối hợp các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân và hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Hiện chưa có số liệu thống kê về thời gian, diện tích keo bị chết trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhưng từ năm 2017, khi đó ông Điển đang làm Phó Chủ tịch huyện Yên Bình (Yên Bái), đã xảy tình trạng gần 200 ha keo ở xã Bảo Ái mới trồng được 3 năm phải phá đi để trồng các loài cây nguyên liệu giấy khác như: quế, bồ đề, bạch đàn. Ngay như ở địa bàn xã Bạch Hà của huyện Yên Bình cũng không thể trồng keo được vì cứ trồng lại xảy ra bệnh chết héo cây keo.
Theo quan sát của phóng viên, tình trạng cây keo bị chết đã xảy ra lẻ tẻ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi có dịp công tác đến thôn Làng Thìu xã Trung tâm huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chứng kiến tình trạng keo chết hàng loạt buộc người dân phải phá bỏ cả đồi keo sắp đến kỳ thu hoạch để trồng thay thế bằng quế, bồ đề...
Ông Hoàng Văn Hướng - Trưởng thôn Làng Thìu cho biết, toàn thôn có khoảng 10 ha keo thì có đến gàn 5 ha phải phá bỏ còn các diện tích khác keo chỉ chết lẻ tẻ, trong đó có những cây keo đã trồng 7 -8 năm tuổi vẫn bị chết.
Ông Hướng dẫn chúng tôi đến xem đồi keo gần nhà mình và chỉ vào những diện tích keo đã chết, đang chết phải phá bỏ. Ông Hướng băn khoăn không hiểu vì nguyên nhân gì nhưng người thì bảo là nấm, người bảo là mối nên trong thôn nhiều hộ đưa thuốc diệt mối về để cho vào gốc cây nhưng rồi keo chết vẫn chết.
Tìm hiểu vấn đề này, thạc sỹ Kiều Tư Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp nay sáp nhập với Chi cục Kiểm lâm thành Chi cục Kiểm lâm Yên Bái) cho biết, tình trạng keo chết nguyên nhân là do nấm nhưng có đến 7, 8 loài nấm mà hiện vẫn chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu. Còn nguyên nhân thông thường dẫn tới keo bị nhiễm nấm là do keo trồng ở những nơi mưa nhiều, nơi keo đã bị nhiễm bệnh khi vỏ cây bị trầy sát do mưa gió, do trâu bò cọ sát hoặc bọ cánh cứng đục thân hay trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật... thường hay xảy ra tình trạng keo bị nhiễm nấm rồi chết.
Để giảm thiểu thiệt hại trước tình trạng keo chết hàng loạt, ngành nông nghiệp Yên Bái khuyến cáo người trồng rừng tập trung kỹ khâu lựa chọn giống, khi mua keo giống cần mua ở những vườn ươm có uy tín và được nhà nước cấp chứng chỉ vườn ươm; khi ươm cây phải chú trọng việc xử lý bầu đất để diệt mầm bệnh, giúp cây con phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng kháng bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, quy hoạch, chọn vùng đất sao cho phù hợp theo tiêu chuẩn kỹ thuật để trồng; đối với những vùng trồng keo từ chu kỳ 2 trở đi cần xử lý đất thật kỹ để hạn chế mầm bệnh phát triển.
Trong trường hợp phát hiện rừng bị bệnh chết héo cây keo nếu tỷ lệ chết lẻ tẻ thì tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và đốt tiêu hủy; giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh. Không tận thu các cây bị bệnh chết héo, không vận chuyển sang nơi khác. Trong trường hợp cây chết hàng loạt nên phá bỏ để trồng rừng thay thế bằng các loài cây khác như quế, bạch đàn hoặc bồ đề...
Đức Tưởng