Cán bộ Trung tâm Thực nghiệm thực hành và chuyển giao Khoa học công nghệ, Trường Đạị học Tân Trào đang kiểm tra quá trình phát triển của cây tại vườn ươm của trung tâm. Ảnh: Văn Tý - TTXVN |
Là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, mỗi năm, Tuyên Quang trồng mới khoảng 11.000 ha rừng, tương ứng nhu cầu sử dụng khoảng 15 triệu cây giống. Mặc dù vậy, nhiều năm qua, giống cây lâm nghiệp ở Tuyên Quang chủ yếu là từ phương pháp giâm hom, ươm hạt. Các phương pháp này tồn tại nhiều hạn chế như: dễ đổ ngã, thân giòn, dễ gãy, thường chẻ ngọn thành 2-3 nhánh, khi gió mạnh dễ bị tướt nhánh. Sau khi trồng chừng 2 năm, cây ra hoa nhưng tốc độ phát triển chậm.
Kiểm tra quá trình tạo rễ của cây trong phòng vô trùng. Ảnh: Văn Tý - TTXVN |
Cây keo ươm theo phương pháp nuôi cấy mô có ưu điểm như: thân thường lên thẳng, ít phân cành, không chẻ thân, có rễ cọc chắc chắn, thân không giòn, chịu được gió mạnh, ít đổ ngã. Với các đặc tính ưu việt này, giống keo lai cấy mô có thể trồng thành cây lâu năm lấy gỗ, nâng cao giá trị kinh tế, được một số đơn vị lựa chọn trồng. Do nguồn giống trong tỉnh không có, nhiều đơn vị phải đặt hàng từ các đơn vị ngoài tỉnh khiến giá thành cây giống cao, đặc biệt những hộ trồng rừng với quy mô nhỏ khó tiếp cận.
Việc Trung tâm Thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào thực hiện thành công phương pháp nuôi cấy mô sản xuất cây keo góp phần đa dạng hóa nguồn giống cây lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn giống chất lượng cao; góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng rừng trồng của tỉnh Tuyên Quang. Với cơ sở, trang thiết bị hiện có, đội ngũ cán bộ có chuyên môn, đơn vị có thể sản xuất với số lượng cây giống lên tới hàng triệu cây mỗi năm, đáp ứng nhu cầu của người dân trong công tác trồng rừng.
Nguyễn Văn Tý
TTXVN