Keo lai đang trở thành cây trồng chủ lực ở rừng U Minh Hạ. Ảnh :danviet.vn |
Theo đó, ngành chuyên môn chú trọng chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho người dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, các trung tâm giống nông nghiệp sản xuất, tuyển chọn và cung cấp cây giống có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, thu hoạch rừng tràm, rừng keo lai theo hướng rút ngắn chu kỳ thu hoạch, nâng cao giá trị kinh tế bền vững đối với loại cầy trồng này. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau phát triển rừng keo lai đạt diện tích khoảng 8.500ha, chủ yếu tập trung ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Trung bình mỗi năm khai thác từ 1.000 -1.200 ha keo lai, với sản lượng gỗ đạt trên 2.000 tấn. Giá gỗ keo lai ngày càng tăng cao đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cho nhiều hộ dân vùng rừng. Tại tỉnh Cà Mau, Công ty Gỗ Cà Mau đã chế biến một số mặt hàng từ nguyên liệu cây keo lai: Ép thanh, ghép thành ván, ép viên nén làm than… Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu không đủ cung ứng cho thị trường. Trước nhu cầu nguồn nguyên liệu tăng cao, nhiều chủ doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang… đã đến tỉnh Cà Mau cạnh tranh thu mua gỗ keo lai với giá cao tại rừng khai thác để phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Kim Há