Yên Bái bố trí cơ cấu giống cây trồng phù hợp những vùng bị thiệt hại do mưa lũ

Vụ Đông năm 2024, tỉnh Yên Bái tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng cây rau màu đặc sản, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết sản xuất nhằm tăng năng suất và giá trị kinh tế. Đồng thời, tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, bố trí cơ cấu giống phù hợp ở những vùng bị thiệt hại do mưa lũ, nhanh chóng tạo thu nhập và ổn định đời sống cho người dân.

vna_potal_yen_bai_nang_cao_gia_tri_san_xuat_vu_dong__7652294.jpg
Thung lũng cánh đồng hoa hồng rộng 11 ha tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN phát

Đẩy mạnh liên kết sản xuất vụ Đông

Vụ Đông ở Yên Bái hiện nay được xác định là vụ sản xuất chính với cây trồng đa dạng, sản phẩm phong phú, thị trường tiêu thụ tiềm năng đã mang lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống cho hàng vạn hộ dân. Tận dụng lợi thế của địa phương, nhiều mô hình trồng cây vụ Đông hiệu quả được nhân rộng, có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp, hình thành vùng chuyên canh tập trung quy mô ngày càng lớn, mở ra cơ hội sinh kế mới cho người nông dân.

Điển hình như mô hình trồng bí xanh, bí ngô mật an toàn tại xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình do Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Long thực hiện, với sự tham gia ban đầu của 11 hộ dân trồng 12 ha bí xanh và bí ngô mật, cho doanh thu 60 triệu đồng/ha. Ngoài việc liên tục mở rộng diện tích, đến nay hợp tác xã đã có đội ngũ chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu trồng đến khâu thu hoạch, đưa sản phẩm trở thành hàng hóa chất lượng cao.

Ông Nông Quốc Toản, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Long cho biết: Từ thành công ban đầu, đến nay mô hình trồng bí đã được nhân rộng ra hàng trăm ha với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Mỹ Gia và các xã lân cận tham gia, tạo thành vùng chuyên canh trồng bí. Từ đây, đã giúp cho hợp tác xã đưa cơ giới vào sản xuất, dễ dàng trong khâu kiểm soát chất lượng và thuận lợi trong việc tìm kiếm, ký kết hợp đồng với những đối tác tiêu thụ sản phẩm.

vna_potal_yen_bai_nang_cao_gia_tri_san_xuat_vu_dong__7652297.jpg
Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN phát

Sản xuất vụ Đông ở Yên Bái không chỉ diễn ra tại vùng thấp mà đã phát triển mạnh mẽ ở những địa phương vùng cao, nơi có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác biệt để tạo ra nhiều loại sản phẩm đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Nhiều sản phẩm đã xuất hiện ở những thành phố lớn và xuất khẩu, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải Lý A Sấu cho biết: Phần lớn diện tích vụ Đông của xã được chuyển đổi trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, như hoa địa lan, hoa hồng Pháp, nấm hương, rau mầm đá... Tiêu biểu như mô hình trồng cây rau mầm đá cho sản lượng 35 tấn/ha, đạt giá trị trên 600 triệu đồng/ha, trồng hoa hồng đạt trên 500 triệu/ha. Cá biệt, mô hình trồng nấm hương xuất khẩu, mỗi năm thu hoạch hơn 50 tấn/ha, đạt giá trị 3,5 tỷ đồng/ha/năm.

Hiệu quả kinh tế sản xuất vụ Đông ở Yên Bái đã được khảng định, bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn lựa giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để cho sản phẩm có giá trị cao; sản xuất vụ đông đã nâng cao trình độ thâm canh, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp cho người dân. Hơn nữa, đây là những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã từ khâu cung cấp giống, vật tư phân bón, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Từ những lợi ích như vậy, dự kiến năm nay, diện tích gieo trồng vụ Đông toàn tỉnh Yên Bái sẽ được mở rộng, đạt gần 10.600 ha, phấn đấu sản lượng trên 70.000 tấn, cho tổng giá trị gần 600 tỷ đồng, trung bình thu nhập trên 50 triệu đồng/ha.

vna_potal_yen_bai_nang_cao_gia_tri_san_xuat_vu_dong__7652291.jpg
Dự kiến năm 2024, diện tích gieo trồng vụ đông toàn tỉnh Yên Bái đạt gần 10.600 ha. Ảnh: TTXVN phát

Khôi phục sản xuất vụ đông vùng lũ

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, việc tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất vụ Đông 2024 tại vùng lũ của tỉnh Yên Bái có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống người nông dân, làm giảm nguy cơ tái nghèo, tạo đà cho kinh tế hộ gia đình phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong một năm gặp nhiều khó khăn.

Ngay sau bão, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng thành lập các tổ công tác xuống cơ sở, phối hợp cùng địa phương vùng lũ lên phương án khôi phục sản xuất vụ Đông. Lựa chọn giống cây phù hợp và lên khung thời vụ; hướng dẫn người dân làm đất, sử dụng tài liệu khuyến nông và tổ chức hội nghị đầu bờ phổ biến các biện pháp khôi phục sản xuất, nhiều địa phương được hỗ trợ 100% giống và phân bón cho sản xuất vụ đông.

Ông Trần Đình Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên chia sẻ, để bảo đảm an ninh lương thực, huyện giao chỉ tiêu các xã mở rộng thêm gần 1.000 ha ngô đông. Hướng dẫn, đôn đốc nông dân cải tạo đất ruộng để trồng ngô, hoa màu vụ đông theo khung thời vụ, quyết tâm gieo trồng toàn bộ diện tích đất 2 vụ lúa, không để đất trống. Nhờ sự hỗ trợ về giống và phân bón, đến nay diện tích trồng ngô đông của huyện đã hoàn thành 100% kế hoạch, diện tích trồng rau màu ngắn ngày tăng 10% so với kế hoạch.

vna_potal_yen_bai_nang_cao_gia_tri_san_xuat_vu_dong__7652292.jpg
Cánh đồng trồng cây rau mầm đá tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đạt doanh thu trên 600 triệu đồng/ha. Ảnh: TTXVN phát

Cơ bản khắc phục xong hậu quả do mưa lũ, đến thời điểm này, người dân xã Tuy lộc, thành phố Yên Bái đang hối hả gieo trồng vụ đông. Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc phổ biến về khung thời vụ, cơ cấu giống, hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh sau lũ đã hoàn thành. Năm nay, xã Tuy Lộc phấn đấu gieo trồng gần 120 ha cây vụ đông các loại, đảm bảo sản lượng vụ đông đạt 1.500 tấn. Khôi phục lại vùng rau trọng điểm của thành phố Yên Bái, đồng thời bù đắp sản lượng bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Để hoàn thành mục tiêu sản xuất hơn 1.700 ha cây vụ Đông năm 2024, huyện Lục Yên đã nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, bố trí sớm khung thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, quy hoạch sản xuất thành những vùng tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong số đó, dành chủ yếu diện tích trồng ngô và khoai lang trên đất soi, bãi, đất 2 lúa. Diện tích rau đậu được trồng trên đất màu, đất ruộng. Đến thời điểm này, toàn huyện đã hoàn thành trên 75% diện tích gieo trồng vụ Đông.

Bên cạnh sự hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật cho sản xuất vụ đông tại vùng lũ, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái yêu cầu nhanh chóng thu hoạch lúa và làm đất vụ Đông; đưa ra danh mục cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất, ưu tiên cây trồng ngắn ngày; có phương án cấp thoát nước phục vụ sản xuất. Đảm bảo mục tiêu đưa sản xuất vụ Đông dần trở thành vụ sản xuất hàng hóa, có quy mô lớn, chất lượng cao, sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm