|
Với sự đầu tư nhân lực, vật lực, ngành y tế Thủ đô đã tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật cao của các bệnh viện Trung ương và quốc tế đưa về triển khai tại các bệnh viện, trong đó nhiều kỹ thuật đã được áp dụng thường quy, mở ra cơ hội cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
* Làm chủ nhiều kỹ thuật cao
Là bệnh viện hạng I của thành phố Hà Nội với 6 chuyên khoa đầu ngành bao gồm ngoại khoa, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức và điều dưỡng, trong những năm qua, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã không ngừng cải tiến đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị y tế, học hỏi và tìm hiểu áp dụng thành công những kỹ thuật y khoa mới và hiệu quả nhất trong khám và điều trị bệnh như: phẫu thuật nội soi lồng ngực, tiêu hóa, tiết niệu; kỹ thuật mổ u não có sử dụng hệ thống vi tính dẫn đường; sử dụng vạt da xuyên ngực lưng trong tạo hình khuyết phần mềm trên cơ thể; thay khớp háng và khớp gối toàn bộ; nút điều trị dị dạng và phình mạch não; điều trị giảm đau trong ung thư…
Sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển vượt bậc của bệnh viện là ngày 28/12/2013, Bệnh viện Xanh Pôn đã trở thành cơ sở ghép tạng thứ 13 trong cả nước và đầu tiên của Hà Nội thực hiện thành công ghép thận.
Đây là một phần của đề án phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành y tế thành phố Hà Nội đến năm 2015, với định hướng giai đoạn 2015 và những năm tiếp theo trong lĩnh vực ghép bộ phận cơ thể người của thành phố Hà Nội.
Để thực hiện đề án này, ngay sau khi đề án được phê duyệt, bệnh viện đã khẩn trương cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm trang thiết bị; hợp tác trong và ngoài nước; xây dựng quy trình kỹ thuật phục vụ ghép; mời chuyên gia trong và ngoài nước đến kiểm tra, thẩm định…
Đặc biệt, bệnh viện đã cử 16 kíp chuyên môn với gần 100 học viên là bác sỹ, dược sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi đào tạo tại các trung tâm uy tín như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân y 103; cử 2 cán bộ đi đào tạo tại Cộng hòa Pháp…
Từ ca ghép thận đầu tiên thành công, đến nay, kỹ thuật ghép thận đã trở thành thường quy với 8 cặp được ghép thành công. Hiện nay, bệnh viện đang thực hiện đề án phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành y tế Hà Nội với mục tiêu triển khai ghép gan, ghép tế bào gốc vào năm 2016.
Đánh giá về thành công bước đầu này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành công của kỹ thuật ghép thận đã mở ra cơ hội không chỉ cho các bệnh nhân ghép thận, mà còn cho nhiều loại bệnh khác, không chỉ tạo bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của bệnh viện, mà còn trực tiếp góp phần nâng cao thương hiệu và chất lượng điều trị của bệnh viện.
Việc quyết định chọn kỹ thuật ghép thận ở người là quyết định có tính đột phá, hướng tới hoàn thiện đề án “Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành y tế Hà Nội đến năm 2015” mà trước mắt là giai đoạn 1 triển khai ghép thận thường quy, đặt mục tiêu đến năm 2015 ghép tế bào gốc và ghép gan thành công.
Ngoài đề án phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người, nhiều kỹ thuật khác cũng được Bệnh viện Xanh Pôn chú trọng như hợp tác với Bệnh viện Limoge (Pháp) phát triển mổ nội soi lồng ngực, tiêu hóa, tiết niệu. Chuyên khoa Ngoại thần kinh hoàn thiện kỹ thuật mổ u não có sử dụng hệ thống vi tính dẫn đường (Neuronavigation), triển khai kỹ thuật mổ vi phẫu dây thần kinh số 5 và số 7, thực hiện các phẫu thuật phức tạp vùng đầu mặt cổ.
Trong phẫu thuật tạo hình triển khai những kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam như sử dụng vạt da xuyên ngực lưng trong tạo hình khuyết phần mềm trên cơ thể, làm mỏng vạt da bằng kính hiển vi, tạo hình dương vật một thì… Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã triển khai các kỹ thuật như thay khớp háng và khớp gối toàn bộ, phẫu thuật gù vẹo cột sống, phẫu thuật lấy nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng kính vi phẫu, ghép xương, nối vi phẫu…
Gần đây nhất, bệnh viện đã tiếp tục thực hiện thành công 2 kỹ thuật cao gồm phẫu thuật thay khớp vai và kỹ thuật bơm xi-măng tạo hình đốt sống cho 2 bệnh nhân. Với những kết quả vượt bậc trong việc áp dụng các kỹ thuật chất lượng cao phục vụ công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn đang là địa chỉ đáng tin cậy, là lá cờ đầu của ngành y tế Thủ đô.
* Mang lại nhiều cơ hội cho người bệnh
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố ngành y tế Hà Nội với 23 chuyên khoa đầu ngành đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng cao ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện trong khu vực Đông Nam Á.
Một số bệnh viện đã chủ động đi đầu ứng dụng phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Ngoài kỹ thuật ngoại khoa được áp dụng thành công ở Bệnh viện Xanh Pôn, các kỹ thuật phức tạp về tim mạch can thiệp cũng được triển khai thành công tại Bệnh viện Tim Hà Nội; kỹ thuật xét nghiệm đột biến gen trong ung thư phổi, nút mạch hóa dầu trong điều trị ung thư gan nguyên phát tại Bệnh viện Ung bướu; phẫu thuật sàn chậu, kỹ thuật sàng lọc trước, sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; kỹ thuật siêu âm qua thóp, siêu âm cơ quan vận động, kỹ thuật sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm với các khối u vú, u gan, các tạng trong ổ bụng, sinh thiết dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính, siêu âm ống tiêu hóa...
Kỹ thuật vi phẫu tạo hình xương hàm dưới bằng vạt xương mác và cắm implan tức thì trong lĩnh vực răng hàm mặt cũng đã trở thành kỹ thuật thường quy của một số bệnh viện trong ngành. Ngành y tế còn hỗ trợ xây dựng trung tâm tim mạch tại tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào do Bệnh viện Tim hỗ trợ về kỹ thuật và trang thiết bị.
Việc phát triển các kỹ thuật chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân Thủ đô và nhân dân các tỉnh lân cận. Các bệnh viện của Hà Nội đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, có những kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện trong khu vực Đông Nam Á.
Tại các bệnh viện tuyến huyện cũng được trang bị hệ thống phẫu thuật nội soi, cùng với sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến thành phố, các bệnh viện đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật nội soi về u xơ tiền liệt tuyến, chửa ngoài dạ con, cắt túi mật, ruột thừa… và nhiều phẫu thuật nội soi khác, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nâng cao tính công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khám chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách.
Những thành quả mà ngành y tế Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua đã đem lại những cơ hội cho người bệnh, được nhân dân ghi nhận và tin tưởng. Bệnh nhân Vũ Thị Xưa 72 tuổi, ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La bị ngã trong tư thế ngồi do quá trình sinh hoạt tại nhà khiến bà bị đau đốt sống, không thể ngồi hay đi lại bình thường.
Được Bệnh viện Xanh Pôn thực hiện thành công kỹ thuật bơm xi-măng tạo hình đốt sống, bà có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Bà Xưa vui mừng bày tỏ: "Sau ca phẫu thuật tôi như được hồi sinh. Tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ bệnh viện đã điều trị, chăm sóc cho tôi".
Ghi nhận bước tiến mới của ngành y tế Thủ đô, tại lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành y tế Hà Nội, 60 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2015), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu trong giai đoạn tới, ngành y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong công tác y tế dự phòng, trong chẩn đoán và điều trị.
Đồng thời ngành y tế Hà Nội cần phát triển các bệnh viện chuyên ngành, Trung tâm chuyên sâu với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao thu hút người dân Hà Nội và khách du lịch trong và ngoài nước tới Hà Nội nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh.