Một cụ ông Nhật Bản. Ảnh: Japan Today/TTXVN |
Họ là những người đàn ông cao tuổi sống một mình, từ chối các đề nghị giúp đỡ, hoặc cũng có thể họ vẫn trong độ tuổi lao động nhưng chưa kết hôn. Theo Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Nhật Bản, có thể dễ dàng bắt gặp những người đàn ông như vậy trên khắp "đất nước Mặt trời mọc". Họ không có con cái chăm sóc, từ chối nhận các dịch vụ chăm sóc y tế, không đi khám sức khỏe định kỳ, cũng như không tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Thực trạng này đang đặt ra thách thức đối với Chính phủ Nhật Bản, đòi hỏi thiết lập một mạng lưới an sinh xã hội "phủ sóng" tới từng hộ gia đình.
Sống khép kín là vấn đề gây tác động tới nhiều người, kể cả những người đang trong độ tuổi lao động. Theo kết quả cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia Nhật Bản, trong năm 2015, số người dưới 50 tuổi chưa kết hôn tiếp tục gia tăng, trong đó tỷ lệ nam giới chưa kết hôn là 23% và nữ giới 14%. Đối với những người sinh trong giai đoạn 1971-1974 (được coi là kỷ nguyên bùng nổ dân số), sau khi trải qua những năm tháng tuổi trẻ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, họ cảm thấy chưa sẵn sàng kết hôn do tài chính eo hẹp. Các chuyên gia dự báo, tới năm 2040, những người sống một mình sẽ chiếm gần 40% các hộ gia đình ở Nhật Bản.
Một cụ ông rèn luyện thể lực tại Tokyo, Nhật Bản. Ảhh: AFP/TTXVN |
Một số công ty coi việc gia tăng số lượng người già sống neo đơn là cơ hội kinh doanh hiếm có. Công ty khởi nghiệp PowerElec có trụ sở ở Nagoya (Na-gô-ya), phía Tây thủ đô Tokyo, đã phát triển và cho ra mắt một thiết bị có thể đo lượng điện tiêu thụ của các đồ gia dụng điện tử như tivi và đầu phát wifi. Thiết bị này có thể nhận biết những bất thường của nguồn điện từ chiếc tivi được bật hoặc tắt trong một thời gian dài, và dữ liệu này sẽ được chuyển tới máy chủ đám mây của công ty này. PowerElec cho biết đây là vật dụng cần thiết để giải quyết vấn đề xã hội của những người già sống neo đơn. Đa số người sử dụng thiết bị là thành viên sống xa gia đình. Chính quyền thành phố Nagoya cũng đang sử dụng thiết bị này để kiểm tra sự an toàn của những người già sống một mình.
Nhà nghiên cứu Katsuhiko Fujimori (Ca-sư-hi-cô Phư-gi-mo-ri) thuộc Viện Nghiên cứu và thông tin Mizuho cho biết, trong tương lai, một mạng lưới xã hội mở rộng ra ngoài khuôn khổ gia đình sẽ là cần thiết để giải quyết tình trạng gia tăng số lượng nam giới không kết hôn sống một mình khi về già. Ông nhấn mạnh, cùng với việc tăng cường an sinh xã hội với mạng lưới chăm sóc y tế được đẩy mạnh, việc tạo ra các cơ chế nhằm thúc đẩy sự tương tác giữa các cá nhân cũng là điều cần làm.
Hiện nay, Nhật Bản có số người già nhiều nhất thế giới với tuổi thọ trung bình lên tới 82 tuổi. Tuy nhiên, dân số lão hoá hiện cũng đang là trở thành một gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội nước này.
TTXVN
TTXVN