Xây dựng Mường Ảng thành vùng chuyên canh cây ăn quả

Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và tài nguyên đất, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) đang tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả và đất trống, đồi trọc sang phát triển trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Với mục tiêu xây dựng Mường Ảng trở thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Điện Biên, việc tập trung phát triển cây ăn quả kỳ vọng sẽ bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Xay dung Muong Ang thanh vung chuyen canh cay an qua hinh anh 1Cán bộ khuyến nông kiểm tra và hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Cũng như nhiều hộ dân ở xã Ẳng Nưa nói riêng và huyện Mường Ẳng nói chung, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Vũ Thị Ngân ở bản Co Hắm trước đây chủ yếu từ cây cà phê. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, trước tình trạng giá cà phê liên tục xuống thấp khiến nhiều hộ dân lao đao, vỡ nợ do nguồn vốn đầu tư và công chăm sóc cây cà phê không nhỏ.

Năm 2016, bà Ngân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao như: bưởi da xanh, bưởi Thái Lan, xoài Đài Loan,…Gia đình bà Ngân là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đầu tiên ở xã Ẳng Nưa.

Bà Ngân cho biết, hiện gia đình có hơn 4 ha cây ăn quả với khoảng 1.600 cây; trong đó, có nhiều diện tích cây trồng đã cho thu hoạch từ 1 – 2 vụ. So với cây cà phê, việc trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao với nguồn thu nhập ổn định. Mặt khác, việc trồng cây ăn quả có thể tận dụng diện tích đất dưới tán cây để chăn nuôi gia cầm, trồng cây ngắn ngày như lạc, đậu tương...

Theo bà Lò Thị Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa, hiện toàn xã Ẳng Nưa có gần 30 hộ chuyển đổi từ đất trồng cây cà phê kém hiệu quả và đất trống, đồi đọc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với hơn 20 ha; trong đó, chủ yếu mới được trồng trong năm 2019 và 2020. Hầu hết các diện tích cây ăn quả khác chỉ cho quả bói nên chưa đánh giá được hiệu quả chính xác.

Tuy nhiên, các diện tích cây trồng đều đang phát triển rất tốt và mang lại triển vọng cho địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện các hộ trồng cây ăn quả đều được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, cây phát triển tốt, cho quả đảm bảo chất lượng. Trong những năm tiếp theo, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phát triển diện tích trồng cây ăn quả; đồng thời tìm kiếm đầu ra ổn định cho người dân để bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Huyện Mường Ảng có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 44.000 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 41.300 ha. Là huyện nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới núi cao phù hợp để phát triển một số loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả và phát triển nông sản hàng hóa. Mặt khác, huyện Mường Ảng có vị trí địa lý nằm trên trục đường Quốc lộ 279, giao thông đi lại thuận lợi để giao thương với các tỉnh lân cận.

Bởi vậy, chính quyền huyện Mường Ảng đã xác định việc phát triển trồng cây ăn quả thành vùng nguyên liệu, thực sự tạo ra sản phẩm hàng hóa trên địa bàn là hết sức quan trọng. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tiến hành chuyển đổi một phần diện tích từ đất nương rẫy, đất vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam và chanh leo.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, hiện trên địa bàn toàn huyện có khoảng 300 ha diện tích cây ăn quả. Việc trồng cây ăn quả được sản xuất liên kết theo chuỗi và sắp tới sẽ tiến hành mở xưởng thu mua. Qua đánh giá ban đầu, hiện các diện tích cây ăn quả đã cho thu bói với hiệu quả tương đối cao.

Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Mường Ảng sẽ giảm dần diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả chuyển đổi sang cây trồng khác; trong đó, phát triển cây ăn quả lên 1.000 ha. Mục tiêu tập trung phát triển vùng cây ăn quả ở huyện Mường Ảng thành vùng trọng điểm ở tỉnh Điện Biên.

Việc trồng cây ăn quả sẽ được tổ chức theo hướng tập trung, tạo ra những sản phẩm chủ lực có khối lượng lớn, liên kết sản phẩm theo vùng, thúc đẩy liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho bà con, tập trung nâng cao nhận thức cho bà con về việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ để làm sao trong những năm tới huyện Mường Ảng sẽ tạo thành vùng liên kết, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Xuân Tư

Tin liên quan

Nông nghiệp Sơn La khởi sắc từ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV đã đề ra các chương trình hành động trọng tâm với đầy đủ các lĩnh vực; trong đó, nhiều nội dung của nghị quyết đã thực sự tạo nên đổi thay lớn cho đồng bào các dân tộc ở Sơn La. Nổi bật, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh Sơn La đã giảm từ 34,44% (năm 2015) xuống còn 18,62% (năm 2020), bình quân giảm trên 3%/năm, trong đó có đóng góp không nhỏ từ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc và đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản.


Tiềm năng phát triển cây ăn quả ở Kon Tum

Những năm gần đây, do giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su xuống thấp, nên nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã chủ động tìm hướng đi mới với các loại cây ăn quả như cam, mít, sầu riêng,… Cùng với trồng thuần, bà con cũng sử dụng phương pháp trồng xen canh với các loại cây công nghiệp, hoặc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, tạo ra giá trị kinh tế lớn từ các loại cây ăn quả, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Kon Tum.


Chuyên canh cây ăn quả có lợi thế ở vùng thuần nông

Nhằm chuyển đổi sản xuất vùng khó khăn đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân hưởng lợi và nông nghiệp, nông thôn đổi mới, tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) nói riêng chú trọng phát huy tiềm năng vườn cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.



Đề xuất