Nông dân xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo tỉa cành, tạo tán cho vườn thanh long. Ảnh: Minh Trí-TTXVN |
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo Trần Văn Hòa, địa phương hiện có 7.382 ha vườn cây ăn quả đặc sản; trong đó có 6.522 ha thanh long, còn lại là bưởi da xanh. Ngoài ra, địa phương còn có 6.350 ha dừa chuyên canh, tập trung ở các xã nằm ven sông Tiền trong đó diện tích dừa lấy nước giải khát là 2.500 ha. Chợ Gạo nổi tiếng với những vườn thanh long bạt ngàn đang mang lại cho nông dân một nguồn lợi kinh tế lớn. Thanh long Chợ Gạo là một thương hiệu lớn trong ngành cây ăn quả tỉnh Tiền Giang, đã được thị trường công nhận. Thời gian qua, cây trồng này đã giúp cho không ít nông hộ làm giàu một cách bền vững. Hiện nay, diện tích thanh long đang cho khai thác là 4.500 ha, với năng suất khoảng 30 tấn/ha/năm và giá bán bình quân 15.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng, 23.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, cây thanh long mang lại lợi nhuận gấp 4 - 6 lần so với trồng lúa năng suất cao. Nông dân Đinh Văn Đấu, cư ngụ tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, chuyển 0,8 ha đất lúa sang trồng thanh long từ năm 2016. Theo ông Đấu, trung bình mỗi năm, ông bán thu trên 350 triệu đồng quả thanh long, trừ chi phí, còn lãi ròng khoảng 250 triệu đồng. So với cây lúa, thu nhập từ cây thanh long gấp 5 lần. Nhờ vậy, gia đình ông có cuộc sống khấm khá hơn. Cây bưởi da xanh cũng là cây trồng có lợi thế cạnh tranh được nông dân quan tâm phát triển gần đây nhờ hiệu quả kinh tế lớn mà nó mang lại so với trồng lúa độc canh trước đây. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, địa phương có khoảng 860 ha bưởi da xanh trồng dưới dạng chuyên canh, tập trung tại các xã Song Bình, Long Bình Điền, Đăng Hưng Phước, Tân Thuận Bình; trong đó, 750 ha đang cho thu hoạch với năng suất ổn định vào khoảng 20 tấn/ ha/năm. Với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, cây bưởi da xanh mang lại nguồn thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với cây lúa năng suất cao. Chợ Gạo nằm trong vùng Duyên hải phía đông tỉnh Tiền Giang, điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do hạn mặn hàng năm đe dọa, thiếu nước bơm tát, thiên tai thường xuyên gây hại. Mặt khác, do đất hẹp người đông trong khi trồng lúa luôn đối mặt nhiều rủi ro, điệp khúc “trúng mùa – mất giá”, đầu ra hạt lúa bấp bênh khiến nông dân hết sức lo lắng. Nhờ thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyền đổi sản xuất vùng khó khăn, phát huy vai trò các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản mà kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững; nông dân vượt khó thoát nghèo và làm giàu nhanh. Hiện diện tích đất trồng lúa của huyện giảm xuống còn khoảng 500 ha, tập trung ở một số xã như: Bình Phục Nhứt, Bình Phan, An Thạnh Thủy, Bình Ninh...
Minh Trí