Nhiệm kỳ 2015 - 2020, nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV đã đề ra các chương trình hành động trọng tâm với đầy đủ các lĩnh vực; trong đó, nhiều nội dung của nghị quyết đã thực sự tạo nên đổi thay lớn cho đồng bào các dân tộc ở Sơn La. Nổi bật, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh Sơn La đã giảm từ 34,44% (năm 2015) xuống còn 18,62% (năm 2020), bình quân giảm trên 3%/năm, trong đó có đóng góp không nhỏ từ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc và đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản.
Nếu như trước đây, 1 ha trồng ngô chỉ đem lại cho người dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn khoảng 15 đến 20 triệu chưa kể trừ chi phí. Nhưng từ khi chuyển đổi sang cây trồng mới trên đất dốc, người dân đã có thể thu được hàng trăm triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Hợp tác xã Quỳnh Nghĩa, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn bộc bạch, khi tỉnh Sơn La có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, gia đình anh đã trồng khoảng 2000 m2 cây chanh leo. Thấy gia đình anh trồng chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn so với trồng ngô, các thành viên trong hợp tác xã đã trồng theo. Lúc đầu, mỗi thành viên chỉ trồng từ 3.000 đến 5.000 m2 cây chanh leo, nhưng đến nay đã phát triển lên 1 đến 2 ha. Hiện hợp tác xã có khoảng 30 ha trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là chanh leo.
Từ hiệu quả đạt được, nông dân Sơn La đã thi đua lao động, sản xuất và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương thay vì một cuộc sống chỉ cố gắng đủ ăn như trước đây. Điều đó khẳng định chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La đã thực sự đi vào đời sống.
Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung Tòng Văn Sơn chia sẻ, việc Đảng bộ tỉnh Sơn La có nghị quyết về chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc là một chủ trương hợp lòng dân. Bởi, nó rất thiết thực và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, người dân rất tích cực hưởng ứng phong trào chuyển đổi cây trồng trên đất dốc.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Sơn La đang chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây ăn quả và giảm diện tích cây hàng năm kém hiệu quả. Các cây trồng chủ lực được đầu tư, gắn với tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đến năm 2020, diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh Sơn La ước đạt 80.515 ha, tăng 311% so với năm 2015, lớn thứ hai cả nước. Sơn La có 144 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường các nước. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đến năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng/ha, tăng 83% so với năm 2015.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La thông tin, Sơn La đã có những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Từ những mô hình cây ăn quả trên đất dốc, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP… đem lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Sơn La đã được các địa phương đến học tập, nghiên cứu và các bộ, ngành đánh giá cao. Từ những lợi thế đó có thể khẳng định nông nghiệp tỉnh Sơn La đã đi đúng hướng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19, nhưng tỉnh Sơn La đã chủ động điều chỉnh cơ cấu thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản. Cho nên, 8 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La ước đạt 76 triệu USD.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng cho biết, tỉnh Sơn La đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Trồng trọt, Viện Nghiên cứu rau quả giúp địa phương đánh giá một cách khách quan về chủ trương phát triển cây ăn quả. Qua đó, giúp tỉnh Sơn La tìm ra được loại cây ăn quả nào có lợi thế hơn so với địa phương khác để tiếp tục phát huy và những loại cây ăn quả nào kém lợi thế, khó cạnh tranh so với tỉnh khác thì sẽ phải chuyển đổi.
Nguyễn Cường – Minh Đường