Nhờ được hỗ trợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tại Sơn La đã mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Khu vực nuôi cá của Công ty cổ phần Thủy sản sông Đà trên lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc bản Ban Xa, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu có quy mô hơn 110 lồng. Theo chu kỳ, mỗi vụ nuôi kéo dài từ 2 - 3 tháng với sản lượng cá gần 8 tấn xuất ra thị trường. Tại đây, ngoài các loại cá thông thường như: trắm đen, cá chép, diêu hồng còn có các loại cá lăng đen và cá lăng vàng được thị trường rất ưa chuộng. Sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, cơ sở đã đi vào sản xuất, nuôi trồng ổn định với sản lượng hàng năm từ 200 - 250 tấn cá thương phẩm; đặc biệt, trong năm 2018, sản phẩm cá của công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cá sông Đà Sơn La”. Công ty cũng đã mở đại lý cung cấp sản phẩm cá có tem chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, nhận được rất nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.
Thành viên hợp tác xã nông nghiệp tại Sơn La thu hoạch sản phẩm. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sông Đà cho biết, những ngày đầu mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính cũng như chuyển giao khoa học kĩ thuật. Năm 2017, sau khi Nghị quyết số 57 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về “Chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021” ra đời đã giúp cho mô hình nuôi cá lồng của công ty được mở rộng. Với số tiền được hỗ trợ gần 500 triệu đồng, từ 30 lồng ban đầu công ty đã mở rộng lên tới hơn 100 lồng nuôi cá. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện để công ty làm các thủ tục đăng kí nhãn hiệu, thương hiệu. Tại huyện Thuận Châu, hiện có trên 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng 40 hợp tác xã đang hoạt động, liên kết sản xuất kinh doanh. Đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng trên địa bàn đã có bước phát triển nhanh về quy mô và chất lượng. Để thu hút, thúc đẩy cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ bằng các chính sách thiết thực.
Người dân phân loại nông sản trước khi mang đi tiêu thụ. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về “Chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2021”, huyện Thuận Châu đã triển khai hỗ trợ, hợp đồng hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng. Đối với chương trình phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn, huyện Thuận Châu tiến hành hỗ trợ 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với chính sách vay vốn phát triển sản xuất, đến nay tổng dư nợ cho vay đối với các hợp tác xã và thành viên là trên 8 tỷ đồng. Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thuận Châu cho biết, trước năm 2016, khi chưa có các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La việc thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc định hướng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Sau khi có các nghị quyết về hỗ trợ, các hợp tác xã đã thuận lợi hơn trong việc chọn lựa ngành nghề để hoạt động.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tại Sơn La được hỗ trợ chuyển giao kĩ thuật, công nghệ. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện tiếp tục được củng cố về tổ chức quản lý, năng lực nội tại đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dịch vụ và đảm bảo lợi ích của các thành viên; đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ thực tế cho thấy, nhờ những chính sách hỗ trợ tích cực của Nhà nước, các nghị quyết của địa phương về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang tạo ra sự chuyển mình về tư duy của nông dân, đem lại sự thay đổi lớn cho nông nghiệp của tỉnh Sơn La. Hiện nay, tỉnh Sơn La có gần 580 hợp tác xã, tăng hơn 200% so với năm 2016; trong đó, số hợp tác xã trong lĩnh vực nông lâm thủy sản hoạt động có hiệu quả chiếm trung bình khoảng 40%. Bên cạnh các chính sách chung của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, từ năm 2017 đến nay, nhiều chính sách riêng của tỉnh Sơn La đã được ban hành và mang lại hiệu quả bước đầu. Đó là Nghị quyết về hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả đã hỗ trợ cho gần 79.000 hộ, với số tiền là 19,5 tỷ đồng; nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã 16,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn được hưởng lợi từ các chính sách khác như: hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng… Ông Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, trong những năm vừa qua, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đã được tỉnh Sơn La thực hiện hiệu quả. Trước đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ngày đầu mới thành lập thường hoạt động kém hiệu quả do thiếu vốn, khó tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, trình độ cán bộ quản lý và thành viên trong các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng nên khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kĩ thuật. Nhưng đến nay, với các chính sách hỗ trợ trải rộng trên nhiều lĩnh vực, vấn đề này từng bước được khắc phục. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu để tỉnh Sơn La đề ra những chính sách mới, trên cơ sở tích hợp các chính sách hiện có nhằm phù hợp và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này.
Hữu Quyết