Người dân không còn sử dụng thuốc diệt cỏ mà làm thủ công bằng tay khi chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Thay đổi tư duy sản xuất Vườn xoài của gia đình anh Đào Xuân Hùng ở bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn có diện tích hơn 2ha. Sau nhiều năm chăm sóc, cây xoài đã bắt đầu bước vào thời kỳ ra quả ổn định. Từ vụ sản xuất năm 2019, tất cả diện tích xoài của gia đình anh đã được cấp mã số vùng trồng và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình chăm sóc. Không những thế, vườn xoài của gia đình anh còn nằm trong vùng quy hoạch để xuất khẩu. Vì vậy, việc chăm sóc cây xoài trong vụ năm nay được gia đình anh chú trọng hơn trước rất nhiều. Anh Đào Xuân Hùng cho biết, so với trước đây thì hiện nay việc chăm sóc xoài để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu phải theo một quy trình ngặt nghèo hơn. Trước đây, bà con có thể phun thuốc diệt cỏ, nhưng bây giờ tuyệt đối không được dùng, thay vào đó phải dùng máy phát hoặc làm cỏ thủ công. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc nếu dùng thuốc bảo vệ thực vật thì phải phun đúng loại có trong danh mục không bị Nhà nước cấm. Từ lúc phun xong đến lúc thu hoạch phải đảm bảo thời gian cách ly. Cùng với đó, nông dân phải tỉa bỏ những quả con chất lượng kém và bọc trái bằng loại bao chuyên dụng để đảm bảo mẫu mã đẹp, quả xoài sạch hơn. Với việc chuyển hướng sản xuất để phục vụ thị trường xuất khẩu, những năm gần đây tư duy của người nông dân Sơn La đã có sự thay đổi để thích ứng. Trước đây, các loại cây ăn quả không được chú trọng chăm sóc, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe. Nhưng hiện nay, những vấn đề này đã được người dân chú trọng và từng bước thay đổi.
Người dân chăm sóc cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Anh Hà Văn Xuân, thành viên Hợp tác xã Huổi Mong, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu chia sẻ, gia đình anh có gần 3ha trồng xoài, từ năm 2018 đã được quy hoạch vào vùng xuất sản xuất để khẩu của địa phương. Chính vì vậy, việc sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ trước đây không mang lại hiệu quả nên buộc anh phải thay đổi cho phù hợp. Khi vào vùng quy hoạch xuất khẩu anh phải chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Đồng thời, phải có sổ ghi chép nhật kí ngày phun thuốc, bón phân và loại sản phẩm sử dụng. Nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn này thì vườn xoài của gia đình anh sẽ bị loại ra khỏi vùng quy hoạch để xuất khẩu.Hướng đến thị trường xuất khẩu Từ chỗ chỉ sản xuất để phục vụ thị trường trong tỉnh, trong nước, những năm gần đây nông sản Sơn La đã tìm được đầu ra và hướng đến thị trường xuất khẩu. Năm 2018, giá trị xuất khẩu của Sơn La đạt 115 triệu USD. Các sản phẩm nông sản như xoài đã xuất khẩu 3.500 tấn sang thị trường Australia, Trung Quốc, cho giá trị 1,75 triệu USD; xuất khẩu 5.000 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ cho giá trị hơn 11 triệu USD. Những điều này cho thấy tiềm năng của tỉnh Sơn La trong việc xuất khẩu nông sản là rất lớn. Chính vì vậy, việc sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu là hết sức quan trọng. Và vấn để đảm bảo chất lượng phải xuất phát từ sự thay đổi của những người trực tiếp tham gia sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Ngọc Lan, huyện Mai Sơn cho biết, trên cơ sở của việc xuất khẩu những năm trước, bà con thành viên hợp tác xã đã nắm được quy trình, tư duy của người sản xuất đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Trước đây, họ chỉ nghĩ làm sao có nhiều quả để bán, còn hiện nay người dân đã tính đến việc trên cùng một loại quả nhưng phải bán được nhiều tiền hơn. Hiện tại, các thành viên trong hợp tác xã đang tích cực chuẩn bị cho vụ xuất khẩu xoài năm 2019. Những kinh nghiệm được hợp tác xã rút ra từ vụ xuất khẩu năm 2018, đó là cùng với chất lượng sản phẩm thì mẫu mã, kích thước của nông sản phải đẹp, đồng đều. Đây là tiêu chí các bạn hàng mang đi xuất khẩu đặt lên hàng đầu. Để thực hiện những tiêu chí đó thì trong quá trình chăm sóc phải cắt tỉa quả xấu, sau đó tiến hành bọc quả trong túi chuyên dụng nhằm tránh bị côn trùng phá hoại. Việc bọc quả được chia thành 3 giai đoạn để thuận lợi cho việc thu hoạch.
Người dân phun thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được cấp phép. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Theo Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu Nghiêm Văn Hải, từ năm 2019, các doanh nghiệp thu mua xoài của huyện Yên Châu để xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn trước. Về truy xuất nguồn gốc, quả xoài phải nằm trong vùng được cấp mã số vùng trồng và đạt tiêu chuẩn VietGAp. Ngoài ra, quả xoài không bị sâu bệnh và phải đạt trọng lượng từ 450-900g. Trong kế hoạch tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu năm 2019, tỉnh Sơn La phấn đấu đạt 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018. Riêng xuất khẩu nông sản dự kiến trên 135.000 tấn, giá trị khoảng 140 triệu USD, chiếm 94,6% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Trong giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh Sơn La sẽ tập trung trồng mới 24.000 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích lên 100.000 ha; trong đó, có 20.000 ha áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, ngoài việc tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh Sơn La tiếp tục quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến tại các doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký cam kết thực hiện mã vùng trồng; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, ngành nông nghiệp tiếp tục liên kết với các đơn vị thu gom có đủ năng lực để phục vụ việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, trong năm 2019, tỉnh Sơn La dự kiến tổ chức tuần lễ nông sản an toàn như: xoài, nhãn, rau, củ… tại các siêu thị của một số nước trong khu vực châu Á.
Hữu Quyết