Xây dựng Chợ Lách trở thành trung tâm cây giống, hoa kiểng tầm quốc gia

Chị Nguyễn Thị Nga (người bên phải) giới thiệu các giống hoa kiểng cho thương lái. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Chị Nguyễn Thị Nga (người bên phải) giới thiệu các giống hoa kiểng cho thương lái. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là cái nôi của nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng (cảnh) của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được ví như "vương quốc" cây giống, hoa kiểng của cả nước. Nông dân nơi đây có kinh nghiệm sản xuất qua nhiều thế hệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến giúp nghề sản xuất cây giống ngày càng phát triển. Với tiềm năng thế mạnh sẵn có, tỉnh Bến Tre đang xây dựng Chợ Lách trở thành trung tâm cây giống, hoa kiểng của quốc gia.

Xây dựng Chợ Lách trở thành trung tâm cây giống, hoa kiểng tầm quốc gia ảnh 1Chị Nguyễn Thị Nga (người bên phải) giới thiệu các giống hoa kiểng cho thương lái. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Chất lượng được đo bằng uy tín

Ông Trần Thanh Thanh, Cơ sở sản xuất cây giống Thanh Thanh tại xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho hay, từ lâu cây giống Chợ Lách đã trở thành thương hiệu của người dân khắp nơi trên cả nước. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm được đo bằng uy tín của các cơ sở sản xuất.

Theo ông Thanh trước đây khi bán cây giống do chưa có được đăng ký cây đầu dòng hay vườn cây đầu dòng, cây giống chất lượng từ cây đầu dòng vẫn tung ra thị trường nhưng không có nhãn mác, thương hiệu. Điều này rất dễ làm giả mạo, trà trộn cây giống kém chất lượng. Từ đó, làm mất uy tín, thương hiệu cây giống Chợ Lách. Do vậy, để đảm bảo chất lượng sản phẩm cây giống, được hướng dẫn từ ngành chức năng, cơ sở đã đăng ký theo quy định 40 cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng; trong đó, có nhiều sản phẩm do ông Thanh bỏ công nghiên cứu lựa chọn, lai tạo như: nhãn xuồng đỏ Thanh Thanh, mít cam đào Thanh Thanh, bơ lùn Thanh Thanh…

Ông Thanh chia sẻ, có sự quản lý chất lượng từ ngành chuyên môn, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp cho nhà vườn, các cơ sở sản xuất nhất là người mua cây về trồng có sự an tâm về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, sau khi có được chứng nhận, điều kiện sản xuất tại các nhà vườn, cơ sở sản xuất sẽ được bảo đảm, chất lượng cây giống từ đó nâng lên, người dân an tâm khi sản xuất, người mua an tâm về chất lượng sản phẩm.

Theo ông Phạm Hồng Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, cây giống ở Chợ Lách được sản xuất với số lượng nhiều, phong phú chủng loại, nhưng chưa đạt chất lượng do khâu kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ. Tình trạng sản xuất cây giống ồ ạt, chạy theo số lượng, nhưng các cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.

Để mang lại hiệu quả hơn cho người nông dân, hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi hướng xã viên sản xuất theo đơn đặt hàng của các tỉnh trong cả nước và áp dụng khoa học trong sản xuất làm giảm giá thành, tăng thu nhập cho người dân.

Hiện hợp tác xã đã đăng ký vườn cây đầu dòng để chủ động nguyên liệu cho người dân sản xuất. Ngoài ra, hợp tác xã tạo tem truy xuất nguồn gốc để người trồng biết được loại giống và đảm bảo chất lượng giống cho đến khi người dân thu hoạch.

Bên cạnh đó, hợp tác xã khuyến khích người dân áp dụng sản xuất cây giống trên giá thể sạch bệnh và túi vải tự hủy để sản xuất cây giống nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và không gây ô nhiễm môi trường. Ưu điểm của cách làm này là bà con gieo hạt trực tiếp lên giá thể chứ không ươm ngoài đất như trước đây.

Vì vậy, rút ngắn phân nửa thời gian sản xuất và chi phí giảm chỉ còn 1/3 so với cách làm truyền thống. Giá thể này cung ứng đủ các thành phần dinh dưỡng để cây con sinh trưởng tốt. Sau khi ghép, nhà vườn mua cây giống về trồng trực tiếp xuống đất, túi vải sẽ tự phân hủy nên không gây ô nhiễm môi trường khi dùng túi nylon hay túi nhựa.

Huyện Chợ Lách có trên 7,5 nghìn hộ tham gia sản xuất giống cây giống, hoa kiểng với diện tích hơn 1.300 ha. Hằng năm, huyện cung ứng cho thị trường từ hơn 20 triệu sản phẩm giống cây trồng các loại và từ 15-18 triệu sản phẩm hoa kiểng.

Xây dựng Chợ Lách trở thành trung tâm cây giống, hoa kiểng tầm quốc gia ảnh 2Chị Nguyễn Thị Nga kiểm tra cây cảnh. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Sản xuất quy mô quốc gia

Ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho hay, hướng đến một trung tâm giống cây trồng, hoa kiểng quy mô quốc gia chính là nhiệm vụ quan trọng, là yếu tố để tạo bước đột phá cho kinh tế của Chợ Lách trong giai đoạn mới.

Vì vậy, huyện Chợ Lách đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất cây giống và hoa kiểng quy mô cấp quốc gia, đảm bảo có trung tâm điều hành sản xuất cây giống, hoa kiểng; có nơi nghiên cứu, ứng dụng và quy hoạch khu bảo tồn giống quý, nhập giống mới đảm bảo đủ diện tích để trồng và cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất giống đạt chuẩn, chuyển giao công nghệ cho người dân, ổn định sản xuất cây giống, hoa kiểng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Qua thực hiện đề án, huyện Chợ Lách kỳ vọng sẽ có diện tích vùng trồng cây nguyên liệu 30ha, sản xuất từ 50 - 70 triệu mắt ghép để sản xuất ra 40 triệu cây giống/năm. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện đã xây dựng lộ trình và kế hoạch thực hiện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, huyện Chợ Lách sẽ nâng cấp chuỗi giá trị cây giống và hoa kiểng; bình tuyển, chọn lọc các loại giống cây trồng tốt để đăng ký cây đầu dòng, hình thành vườn cây đầu dòng. Ngành chức năng huyện sẽ hỗ trợ người dân đăng ký, xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho cây giống Chợ Lách. Đồng thời, nâng cao trình độ kỹ thuật cho người sản xuất cây giống, hoa kiểng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.

Huyện Chợ Lách duy trì và phát triển nguồn giống thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến; cơ cấu cây trồng dựa trên cơ sở quy hoạch và mở rộng vùng kinh tế thấp, các vùng đất bị thiệt hại do hạn mặn.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho hay, để sản xuất cây giống đạt chất lượng thì phải thực hiện đúng theo quy định, pháp luật giống cây trồng; trong đó, yêu cầu cây giống đạt chất lượng và đúng quy chuẩn là ưu tiên hàng đầu.

Mục tiêu của huyện Chợ Lách là sản xuất cây giống mang tầm quốc gia. Trên cơ sở đó, những người sản xuất và cơ sở sản xuất cây giống phải đáp ứng ít nhất 2 điều kiện. Đó là khi sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn mang tính quốc gia. Cụ thể, thực hiện đúng Luật Trồng trọt và các văn bản theo quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, đảm bảo sắp xếp sản xuất, đảm bảo cung ứng cây chất lượng cao trên 50% nhu cầu của cả nước.

Bên cạnh đó, huyện Chợ Lách củng cố và phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, làng nghề, rút ngắn chuỗi liên kết sản xuất cây giống, hoa kiểng. Đồng thời, xây dựng hệ thống kết nối thị trường giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng với các cơ sở, doanh nghiệp, trung tâm giống trong và ngoài tỉnh và các công ty nhập khẩu cây giống ở nước ngoài.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang triển khai xây đựng đề án "Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm Quốc gia".

Theo đó, Bến Tre đặt mục tiêu xây dựng huyện Chợ Lách trở thành trung tâm (vùng) sản xuất cây giống, hoa kiểng chủ lực của tỉnh mang tầm quốc gia. Qua đó, nhằm tạo một sức bật mạnh mẽ về định hướng đầu tư và sản xuất cho ngành giống cây trồng, hoa kiểng, nhanh chóng tạo ra các giống cây trồng - hoa kiểng mới, có giá trị kinh tế cao, góp phần hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất giống và cả người trồng; cải thiện đời sống người dân nông thôn và xây dựng thành công nông thôn mới.

Huỳnh Phúc Hậu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm