Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc đối thoại, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội hết sức quan tâm đến công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... lắng nghe, ghi nhận và chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Qua đó, thêm một lần nữa khẳng định Hà Nội quyết tâm xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cuối cùng và duy nhất là phục vụ cho chính lợi ích của nhân dân. Điều này củng cố thêm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, việc tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với đại biểu Hội Nông dân Thủ đô là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe, trao đổi, trả lời, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp để xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp; quyết tâm xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết, trong 10 năm qua, hội đã có nhiều hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn tại địa phương đem lại hiệu quả cao, góp phần thực hiện tốt Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Cụ thể, hội viên, nông dân trong thành phố đã hiến hơn 415.000m2 đất; đóng góp 4,5 triệu ngày công lao động; ủng hộ hơn 700 tỷ đồng làm giao thông và các công trình công cộng khác; tập trung triển khai tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể.
Trong 10 năm (2009-2019), các cấp hội đã xây dựng được 1.523 mô hình kinh tế tập thể; phát triển 14.294 mô hình kinh tế hộ; xây dựng 783 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế; hỗ trợ nông dân xây dựng hơn 1.400 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn…
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là công nghệ thấp, tính cạnh tranh chưa cao; các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn còn hạn chế; vấn đề nước sạch cho khu vực nông thôn, ô nhiễm môi trường còn nhiều bất cập…
Ông Chu Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm cho biết, hiện nay do tình hình sản xuất của người nông dân vẫn còn mang tính nhỏ lẻ manh mún nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả, chất lượng, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân rất mong muốn, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có quy hoạch vùng sản xuất rõ ràng, cụ thể cho từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, đẩy mạnh đầu tư cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để các xã phát huy được thế mạnh, thúc đẩy sản xuất, tiến tới xuất khẩu.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh cho rằng, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thành phố cần quan tâm đầu tư cho công nghệ cao, nhất là đối với các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ... Qua đó, người nông dân có thể cạnh tranh được về giá cả, chất lượng với các sản phẩm của nước ngoài đang xuất hiện trên thị trường.
Tại cuộc đối thoại, các đại biểu tham dự còn rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý của Nhà nước đối với vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất cấm trong chăn nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ....; đồng thời, kiến nghị thành phố cần có những giải pháp quyết liệt, đủ mạnh để răn đe không cho phép lưu hành các chất cấm trên thị trường.
Nam Giang