Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị đáng sống

Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị đáng sống

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung đã “thay da đổi thịt” với những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Buôn Ma Thuột đang dần trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc và trở thành thành phố đáng sống bậc nhất Việt Nam.

Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị đáng sống ảnh 1Khu vực ngã 6, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Diện mạo mới trên quê hương Mùng Mười Tháng Ba

Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên 37.710 ha, với 21 đơn vị hành chính (8 xã và 13 phường), dân số 380.755 người, gồm 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,8%. Những năm gần đây, Buôn Ma Thuột đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, dần trở thành đô thị hiện đại, năng động và bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng.

Là người con của buôn làng, ông Y Tuyên Buôn Krông, Trưởng buôn Dray Hling (xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột) chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương và vô cùng phấn khởi khi địa phương trở thành một trong những xã đầu tiên của thành phố được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. So với những năm trước đây, bộ mặt thôn buôn đã thay đổi hoàn toàn, đời sống các dân tộc anh em không ngừng được nâng cao, y tế, giáo dục từ thôn buôn đến xã phường, thành phố ngày càng chất lượng, người dân tiếp cận dễ dàng. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bà con trong buôn ai nấy đều đồng lòng cùng Nhà nước, đóng góp xây dựng đường xã, tạo cảnh quan đường làng ngõ xóm bằng những con đường hoa rực rỡ… Người dân đang nỗ lực cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp và phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đưa buôn làng trở thành những vùng quê đáng sống.

Hòa Xuân là xã vùng ven, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2017, đến nay xã đã có nhiều tiêu chí đạt chuẩn nâng cao. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Thuận chia sẻ, những năm sau giải phóng, điện, đường, trường, trạm rất khó khăn, canh tác lạc hậu, đời sống nhân dân vô vàn khó khăn. Qua từng giai đoạn, được Trung ương, địa phương quan tâm, đầu tư nên dù xã có điểm xuất phát thấp nhưng đến nay bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân năm sau cao hơn năm trước. Hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đã phủ khắp các thôn, buôn. Đặc biệt, hiện nay Trung ương đang triển khai các cơ chế ưu đãi đối với thành phố Buôn Ma Thuột, nhân dân rất phấn khởi và kỳ vọng địa phương sẽ được đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình ở địa phương, hướng đến đạt nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng phấn khởi cho biết: Từ một thị xã nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, sau 48 năm giải phóng, đến nay Buôn Ma Thuột đã trở thành đô thị được người dân cả nước biết đến và đang phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên khang trang, sạch đẹp. Quy mô đô thị không ngừng được mở rộng, thành phố đã trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống cây xanh, hạ tầng đô thị cũng được đầu tư làm thay đổi bộ mặt đô thị. Thành phố Buôn Ma Thuột đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018 và đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các buôn đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi diện mạo, tỷ lệ đường giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa cao. Sau 48 năm, thành phố Buôn Ma Thuột đã phát triển mạnh, đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người trên 100 triệu đồng/người/năm.

Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị đáng sống ảnh 2Buôn Ako Dhong – nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc bản địa tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, những năm gần đây, nhiều dự án trọng điểm như đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột, đường đại lộ Ðông Tây, Khu liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hồ sinh thái Ea Tam, đường tránh đông Buôn Ma Thuột, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; các khu đô thị mới… được đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo nên diện mạo mới cho thành phố. Đặc biệt, sự xen kẽ giữa đô thị sầm uất, hiện đại, với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang tạo cho Buôn Ma Thuột một bản sắc riêng.

“Để có được những thành tựu trên là nhờ sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương, của tỉnh, sự đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ”, ông Vũ Văn Hưng chia sẻ.

Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị đáng sống

Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định và chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên nhiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia…”.

Cùng với đó, Nghị quyết số 72/2022/QH15 vừa được Quốc hội ban hành về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột với các chính sách gồm: quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Vũ Văn Hưng, đây là sự quan tâm đặc biệt, tiền đề thu hút đầu tư, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù, tạo bước đột phá trong tăng trưởng...phấn đấu xây dựng Buôn Ma Thuột xứng đáng là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố đáng sống theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố đang tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ đô thị và an sinh xã hội; thu hút các nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là cà phê để phát triển chế biến sâu và nâng cao giá trị nông sản, tạo nên giá trị gia tăng cho các loại nông sản của thành phố, của tỉnh Đắk Lắk và của cả khu vực Tây Nguyên.

Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị đáng sống ảnh 3Du khách thưởng thức cà phê miễn phí trong Ngày hội cà phê ở thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Thành phố đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường, tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn...

Ông Vũ Văn Hưng cho biết, hiện nay UBND thành phố đã trình HĐND việc phân bổ công khai nguồn vốn được Trung ương cấp ; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh những nội dung cụ thể tại Nghị quyết 72 của Quốc hội ban hành như ban hành chính sách ưu đãi nhà khoa học đến cống hiến cho thành phố; vay vốn ODA; hướng dẫn điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của thành phố; triển khai cho các doanh nghiệp ưu đãi thuế…Thành phố phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2023, các văn bản liên quan sẽ được triển khai để cụ thể hóa Nghị quyết 72.

Anh Dũng - Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm