Khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên tuyến Đường 1C

Ngày 27/4, tại huyện biên giới Giang Thành, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sỹ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến Đường 1C. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 1/5.

vna_potal_ky_niem_76_nam_ngay_thuong_binh_liet_sy_277_den_tho_cac_liet_sy_tai_diem_cao_468_ha_giang__6828544.jpg
Cán bộ, chiến sĩ dâng hương tại Đền thờ Liệt sỹ . Ảnh:Hoàng Hiếu - TTXVN

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, gần 600 đại biểu là các cựu thanh niên xung phong đã dự buổi lễ.

Ngày 8/1/2024, tỉnh Kiên Giang bắt tay xây dựng Đền thờ tại khu trung tâm hành chính huyện Giang Thành, ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành trên khuôn viên hơn 7.400 m², vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng các cơ chế, chính sách, cũng như các công trình, dự án cụ thể để tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thanh niên xung phong. Đền thờ Anh hùng liệt sỹ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên Tuyến đường 1C tại huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang là công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh ở nơi đây, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ khi đến Giang Thành.

1C là mật danh của tuyến đường vận tải chiến lược của Trung ương chi viện lực lượng hậu cần cho chiến trường Tây Nam Bộ, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu 9 và các Tỉnh ủy nơi tuyến đường đi qua. Tuyến đường 1C phần lớn nằm trên địa bàn tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay), bắt đầu tại Lò Gò, Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) chạy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia đến Vĩnh Điều (huyện Hà Tiên nay là huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kinh Tám Ngàn, kinh Vĩnh Tế, lộ Cái sắn... về đến Cái Nứa, Ba Đình (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thuận), nơi đóng căn cứ của Quân khu 9.

Trong 10 năm (1966 - 1975), hàng nghìn thanh niên xung phong của các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh… tình nguyện tập hợp vào Đại đội Hòn Đất (Rạch Giá); Đại đội Nguyễn Việt Khái II và Nguyễn Việt Khái III (Cà Mau); Đại đội Mai Thanh Thế (Sóc Trăng); Đại đội Tây Đô (Cần Thơ)…, đem tuổi thanh xuân, dùng sức người, kết hợp với phương tiện thô sơ như xuồng, ghe, vỏ lãi, máy cày, trâu…, chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, tài liệu...; đưa đón trên 30.000 lượt cán bộ, chiến sỹ ngược xuôi khắp tuyến đường để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần tạo bên sức mạnh và linh hồn của tuyến Đường 1C huyền thoại.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nêu rõ, đất nước ta có được độc lập tự do, nhân dân ta được ấm no, hạnh phúc như hôm nay là có sự hy sinh, cống hiến của biết bao thế hệ cha anh, trong đó có đóng góp to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong trên tuyến Đường 1C huyền thoại. Trên chiến trường ác liệt đó, mồ hôi, máu và cả sự hy sinh quên mình của các anh hùng, liệt sỹ đã tô thắm từng tấc đất tuyến Đường 1C anh hùng. Đã có khoảng 400 thanh niên xung phong và chiến sỹ lực lượng vũ trang vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường này, đến nay, vẫn còn hơn 50 người chưa chưa tìm được hài cốt. Những người còn sống mang trong mình nhiều thương tật, nỗi đau xót vì chưa tìm được đồng đội đã hy sinh.

Đền thờ Anh hùng, liệt sỹ lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến Đường 1C sẽ là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các thế hệ thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đây cũng là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ học tập, noi gương, qua đó hun đúc lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, điểm đến tham quan tâm linh, du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội huyện biên giới Giang Thành phát triển nhanh và bền vững.

Sau lễ khánh thành, các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ, lực lượng vũ trang nhân dân, thanh niên xung phong đã hy sinh trên tuyến Đường 1C huyền thoại và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên đền thờ.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm