Xác định trọng điểm đầu tư, phát triển du lịch bền vững

Xác định trọng điểm đầu tư, phát triển du lịch bền vững

Ông Nguyễn Nam Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, để phát triển du lịch tỉnh thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc nâng cao nhận thức về phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ tiên quyết bên cạnh việc đổi mới mạnh mẽ tư duy. Tỉnh định hướng phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, có chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và về lâu dài trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xác định trọng điểm đầu tư, phát triển du lịch bền vững ảnh 1Du khách chiêm bái tượng phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Tây Ninh xác định du lịch là một trong bốn đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh các chương trình về phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch được tỉnh đặt trọng tâm là phát triển nhanh và bền vững, tập trung nguồn lực.

Năm 2023, kinh tế tỉnh Tây Ninh tăng trưởng ước đạt 5,5% so với kế hoạch. Ngành Du lịch Tây Ninh đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng (kế hoạch 1.800 tỷ đồng); khách tham quan tại các khu, điểm du lịch hơn 5,1 triệu lượt, đạt 102% kế hoạch. Lượng khách tham quan tăng đã thúc đẩy tăng trưởng các ngành, dịch vụ khác.

Ông Nguyễn Nam Giang cho rằng, so với các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, ngành Du lịch Tây Ninh cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Ngành đã khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên hiện có, định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, doanh thu du lịch Tây Ninh sẽ đạt con số ấn tượng 9.000 tỷ đồng; khách tham quan đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch tỉnh sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân du khách đến Tây Ninh đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày.

Để du lịch Tây Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh xác định nhiều kế hoạch, chương trình, như: Xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh. Địa phương xác định có chính sách đột phá để thu hút nhà đầu tư, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Tỉnh hướng tới định vị được những sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch bằng việc xây dựng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Tây Ninh xác định trọng điểm đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh là Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen. Tỉnh tập trung phát triển nơi này trở thành Khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia; đồng thời là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương cũng như khu vực Đông Nam Bộ.

Song song đó, tỉnh phát triển và kết nối đồng bộ những điểm đến trọng tâm, trọng điểm gồm núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam với các điểm đến mang tính kết nối, lan tỏa khác, trở thành những điểm đến có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc mang đậm đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng có của tỉnh.

Tây Ninh xác định giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là những di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận như Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Nghệ thuật chế biến món ăn chay, Múa trống Chhay dăm, Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, Lễ Vía bà Linh Sơn Thánh mẫu núi Bà Đen…; từ đó, phát triển thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo khách tham quan, tạo nên bản sắc riêng của địa phương.

Đặc biệt, để phát triển bền vững, tỉnh xác định đẩy mạnh hoạt động thông tin quảng bá thương hiệu du lịch Tây Ninh, trong đó tập trung xúc tiến quảng bá tại thị trường Campuchia; thúc đẩy hợp tác liên kết phát triển du lịch vùng. Tỉnh gắn việc xúc tiến du lịch với kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm; đầu tư các tour, tuyến, điểm du lịch.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhấn mạnh, mục tiêu phát triển du lịch bền vững là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển Tây Ninh. Với quyết tâm của các cấp chính quyền, sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch trong nước, ngành Du lịch Tây Ninh sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030, nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm