Tây Ninh đưa công tác giảm nghèo đi vào thực chất, bền vững

Kỹ sư nông nghiệp và nông dân trồng na theo quy trình VietGAP trao đổi kinh nghiệm canh tác tại vườn na thuộc ấp Phước Hòa, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ảnh: Thanh Tân - TTXVN
Kỹ sư nông nghiệp và nông dân trồng na theo quy trình VietGAP trao đổi kinh nghiệm canh tác tại vườn na thuộc ấp Phước Hòa, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Năm 2023, tỉnh Tây Ninh có 2.167 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều, chiếm 0,67% (giảm 1.332 hộ, tương ứng 0,42% so với năm 2022). Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023, Tây Ninh đã thiết kế lồng ghép nhiều dự án phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các dự án thành phần thuộc Chương trình đều hướng tới trực tiếp hỗ trợ cho người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, được hỗ trợ nâng cao năng lực, có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tây Ninh đưa công tác giảm nghèo đi vào thực chất, bền vững ảnh 1Kỹ sư nông nghiệp và nông dân trồng na theo quy trình VietGAP trao đổi kinh nghiệm canh tác tại vườn na thuộc ấp Phước Hòa, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Huyện Châu Thành là một trong 5 huyện nông thôn biên giới của tỉnh Tây Ninh. Công tác giảm nghèo đã được đưa vào Nghị quyết hằng năm, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành, để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, UBND huyện đã đề ra giải pháp cho từng xã, thị trấn; bố trí, huy động đa dạng nguồn lực để giảm hộ nghèo như: chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục; đào tạo nghề; hỗ trợ về pháp lý, nhà… cho người nghèo. Địa phương phát hiện, nhân rộng các mô hình tiên tiến, phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, giúp tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 0,3-0,5%/năm. Dự kiến đến năm 2025, cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo sẽ đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.

Bà Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh, các chính sách đầu tư hỗ trợ của Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một tăng lên rõ rệt, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh thực hiện nhiều chính sách tín dụng ưu đãi. Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã trở thành kênh tín dụng hiệu quả đối với người nghèo, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo được nhiều việc làm cho người dân. Theo đó, năm 2023, Ngân hàng Chính xã hội - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã cho vay 6.909 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với số tiền trên 294,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng dư nợ đạt trên 551,7 tỷ đồng với 16.663 hộ còn dư nợ.

Ông Hồ Văn Khanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, để triển khai phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đi vào thực chất, Ngân hàng đã tập trung nguồn lực, nhân lực thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, nguồn vốn vay trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng được nhu cầu vay của người nghèo. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương; nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc thực hiện công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong chương trình phối hợp hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Việc vận động, hỗ trợ người nghèo có nhiều cách làm phong phú, thiết thực, từ đó, huy động các nguồn lực xã hội trong chăm lo cho người nghèo. Giai đoạn 2021 - 2023, các đơn vị đã vận động được trên 85 tỷ đồng (chỉ tiêu 50 tỷ đồng).

Từ nguồn Quỹ vận động, tỉnh đã xây 829 căn nhà đại đoàn kết tặng cho người khó khăn, người nghèo với tổng giá trị 56,4 tỷ đồng; chi 2,2 tỷ đồng sửa chữa 123 căn nhà. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ quà Tết cho người nghèo; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, vượt khó trong học tập; hỗ trợ vốn cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.

Với các dự án đa dạng hóa sinh kế, việc phát triển mô hình giảm nghèo đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thống kê đến tháng 11/2023, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt, thẩm định trên 95 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với hơn 845 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng), người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án, tổng kinh phí trên 20,3 tỷ đồng.

Tỉnh đã thẩm định 53 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với 337 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật tham gia, tổng kinh phí trên 9,5 tỷ đồng; phê duyệt, thẩm định các dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và hỗ trợ việc làm bền vững với kinh phí hơn 1.477 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Văn Vy, để từng bước giảm nghèo bền vững, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh xây dựng các chương trình, đề án giảm nghèo gắn với thực chất như: Đề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản với 1.003 con trâu, bò, trị giá gần 24 tỷ đồng đã được trao cho các hộ nghèo; Dự án hỗ trợ vốn hoàn lại (500 triệu đồng) và nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho 30 hộ đồng bào dân tộc Khmer ở 3 ấp Tầm Phô, Kà Ốt, Suối Dầm thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Từ những cách làm trên, 1.044 hộ thoát nghèo và 2.692 hộ thoát cận nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm