Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, trọng tâm là ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn…, tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh việc đào tạo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với xây dựng phương án vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hướng dẫn người dân, đặc biệt các hộ nghèo, hộ cận nghèo, cách bảo quản sản phẩm nông nghiệp, cập nhật các thông tin về thị trường và giá cả các mặt hàng nông sản để có định hướng đầu tư sản xuất, tiếp cận trị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số.
Đồng thời, Tuyên Quang tập trung nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, tỉnh quan tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình thiếu đất sản xuất, lao động phải chuyển đổi ngành nghề, lao động thuộc diện di dân tái định cư…
Tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ các huyện phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết, kết nối hệ thống giao thông nông thôn với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thương hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững...
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng trường chuẩn quốc gia cho các trường ở huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ y tế, khám chữa bệnh cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Tuyên Quang tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao mức sống nhân dân, đặc biệt là các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, du lịch.
Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài (vốn hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức…) trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát việc thực hiện; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực, để xảy ra thất thoát lãng phí trong quản lý và thực hiện các chính sách giảm nghèo…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến hết năm 2023 không còn người có công với cách mạng thuộc đối tượng là hộ nghèo; đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên…
Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, tại thời điểm đầu năm 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang có 50.033 hộ nghèo, chiếm 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm 7,85%. Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó các huyện Lâm Bình, Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 163 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng, chiếm 0,33% so với tổng số hộ nghèo.
Vũ Quang