Vùng khó khăn ở Tuyên Quang đổi thay nhờ đầu tư xây dựng hạ tầng

Cầu tràn qua suối thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường – TTXVN
Cầu tràn qua suối thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Tỉnh Tuyên Quang đã huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đã đem lại cho các xã, khu vực vùng khó nhiều đổi thay.

Vùng khó khăn ở Tuyên Quang đổi thay nhờ đầu tư xây dựng hạ tầng ảnh 1Nhà văn hóa thôn Bản Khẻ, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư xây dựng năm 2020. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Bản Khẻ là 1 thôn vùng sâu, vùng xã của xã Trung Minh, huyện Yên Sơn. Trước đây muốn ra trung tâm xã, người dân phải mất rất nhiều thời gian vượt qua con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội, không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân. Năm 2020, đoạn đường ĐT 185 đi thôn Bản Khẻ đã được bê tông hóa với tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ đồng tạo thuận l trong việc đi lại cũng như giao thương hàng hóa. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 135, thôn Bản Khẻ cũng được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang với sức chứa 150 chỗ ngồi, trang bị đầy đủ loa đài để người dân sinh hoạt mỗi khi có công việc chung.

Trưởng thôn Bản Khẻ Lù Seo Phú cho biết, thôn có 67 hộ, chủ yếu là người dân tộc Mông. Trước đây, thôn chưa có nhà văn hóa, đường sá đi lại cũng rất khó khăn. Hiện nay thôn đã được đầu tư một số đoạn đường bê tông để phục vụ việc đi lại cho bà con và xây dựng được nhà văn hóa thôn để có nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí nên bà con rất phấn khởi.

Vùng khó khăn ở Tuyên Quang đổi thay nhờ đầu tư xây dựng hạ tầng ảnh 2Cầu tràn qua suối thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Cũng như thôn Bản Khẻ, thôn Vàng On là thôn khó khăn đặc thù của xã Trung Minh, nơi có 104 hộ người Mông, người Dao sinh sống. Khác những năm về trước, thôn Vàng On giờ đây có đường ô tô, có nhà văn hóa, có cầu treo qua suối, có lớp học khang trang. Từ năm 2015 đến nay, thôn Vàng On đã được Nhà nước đầu tư 4 điểm trường, 10 phòng học, nhà văn hóa thôn, cầu treo, cầu tràn, nắn dòng suối...với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Người dân vui nhất là thôn chuẩn bị được lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sinh hoạt, sản xuất, học tập của con trẻ.

Anh Giàng Seo Mua, Trưởng thôn Vàng On chia sẻ, trước đây chưa có cầu treo thì việc đi lại của người dân gặp rất khó khăn, đặc biệt là về mùa mưa. Nếu mưa nước lũ cao thì thôn có thể bị cô lập cả tuần. Sau khi được Đảng, Nhà nước đầu tư cầu treo thì việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân rất thuận lợi. Mong muốn của người dân thôn Vàng On là tiếp tục được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, kéo điện lưới, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… để bà con có hướng phát triển kinh tế tốt hơn.

Ông Ma Thế Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Minh cho biết, trong những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm và các nguồn vốn tỉnh cũng như các chương trình dự án (Chương trình 135; Chương trình đầu tư nông thôn mới...) đầu tư hỗ trợ đồng bào dân tộc của địa phương đã tác động giúp một số hộ thoát nghèo, cận nghèo có cuộc sống ổn định và đang trên đà phát triển, nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, các vấn đề về an sinh xã hội từng bước được giải quyết. Hiện nay, 8/8 thôn của xã đã có nhà văn hóa đạt chuẩn, các công trình thủy lợi, cầu tràn qua suối đường bê tông nông thôn, kênh mương nội đồng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất của người dân.

Vùng khó khăn ở Tuyên Quang đổi thay nhờ đầu tư xây dựng hạ tầng ảnh 3Xây dựng đường giao thông xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN phát

Giai đoạn 2016-2021, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư và khởi công xây dựng 838 công trình. Riêng từ năm 2020 đến nay, từ nguồn vốn của Chương trình 135, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí trên 118 tỷ đồng cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh để xây dựng 113 công trình hạ tầng gồm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, nhà văn hóa thôn bản, kênh mương nội đồng, duy tu bảo dưỡng 35 công trình.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang Ma Quang Hiếu, trong giai đoạn 2016-2020 Ban Dân tộc tỉnh chủ trì Dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn ngân sách trung ương đã tập trung cho dự án khoảng 491 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng với khoảng 60%, số còn lại cho trường học, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sạch, qua đó hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã thôn đặc biệt khó khăn về cơ bản được kết nối và cải thiện rõ rệt, góp phần vào việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Trong những năm tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Ngoài thực hiện các chương trình, dự án nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh Tuyên Quang cũng đang triển khai thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2022-2025, mục tiêu bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng; xây dựng ít nhất 200 cầu với kinh phí 1.000 tỷ đồng hướng tới tất cả các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Khi các dự án, công trình đầu tư hạ tầng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa hoàn thành, người dân nơi đây sẽ có cuộc sống ổn định hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa vùng nông thôn với thành thị.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm