Phú Thọ: Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phú Thọ: Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Người có uy tín đã có nhiều đóng góp ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh : ubdt.gov.vn
 Người có uy tín đã có nhiều đóng góp ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh : ubdt.gov.vn
Ông Nguyễn Thế Anh (dân tộc Mường, ở khu 19-5, thị trấn Thanh Sơn) là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thanh Sơn. 70 năm tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng, trải qua rất nhiều cương vị công tác, ở vị trí nào, ông cũng được nhân dân tin yêu... Năm 2010, ông về nghỉ hưu sau khi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Phó trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Phú Thọ. Về địa phương được “dân tín, dân yêu”, ông được bầu là Bí thư Chi bộ khu 19-5 và liên tục được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc nào có hại cho dân thì hết sức tránh”, ông đã cùng Ban chi ủy, cán bộ, đảng viên trong khu vận động bà con góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng; lắp đặt hệ thống loa truyền thanh trong khu để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Cùng với đó, ông và gia đình luôn gương mẫu đi đầu, vận động đồng bào hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn dân cư. Cũng như ông Anh, ông Dương Đức Thọ, người có uy tín tiêu biểu tại bản đồng bào dân tộc Dao, khu Xuân Thắng, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập luôn được bà con quý mến, tôn trọng. Suốt những năm qua, không chỉ nêu gương trong trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế gia đình, ông đã cùng với lực lượng Công an xã thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền về đường lối, chính sách, pháp luật... Ông Thọ chia sẻ: “Nhiều khi cán bộ nói đồng bào không nghe đâu, nhưng người có uy tín đến trò chuyện là bà con có chuyển biến trong nhận thức. Mấy năm gần đây, địa bàn không có tệ nạn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện.” Trao đổi về vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Hà Văn Thịnh, Trưởng phòng Chính sách - Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp để tập trung, củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đây là một lực lượng quan trọng và nòng cốt trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để phát huy vai trò của những người có uy tín, hàng năm, tỉnh đều chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương bình chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm thăm hỏi, tặng quà Tết, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương cho người có uy tín. Trong các năm 2016 và 2017, toàn tỉnh có 53 người có uy tín tiêu biểu tham dự "Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc" và “Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số”. Nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đến đời sống của đồng bào các dân tộc, đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, vị trí và uy tín của mình trong việc vận động nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Họ là những người luôn tiên phong gương mẫu đi đầu trong sinh hoạt và sản xuất, với trách nhiệm là người điều khiển chung công việc của cộng đồng, xóm làng, dòng tộc, là người am hiểu các tập tục, lễ nghi, bản sắc văn hóa của dân tộc, là người được trực tiếp đối xử với người dân trong làng khi vi phạm luật tục, tranh chấp, vợ chồng không hòa thuận… Các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng tích cực vận động nhân dân tham gia hưởng ứng thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn" và các phong trào khác do địa phương phát động. Những đóng góp của già làng, trưởng bản, người có uy tín đã góp phần làm thay đổi đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Thọ được cải thiện và nâng lên đáng kể. Cùng với đó các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành, quản lý của Nhà nước, xứng đáng là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ với nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng đều, bền vững của tỉnh Phú Thọ.
Trung Kiên

Có thể bạn quan tâm