Chàng trai Nguyễn Văn Thắng khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất và chế biến hạt điều

Chàng trai Nguyễn Văn Thắng khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất và chế biến hạt điều
Anh Nguyễn Văn Thắng tại cơ sở sản xuất điều. Ảnh: K GỬIH-TTXVN
Anh Nguyễn Văn Thắng tại cơ sở sản xuất điều. Ảnh: K GỬIH-TTXVN
Nguyễn Văn Thắng sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông khó khăn tại xã Thanh Hòa, huyện miền núi Bù Đốp (Bình Phước). Năm 2009, sau khi lập gia đình riêng, anh Thắng bắt đầu lập nghiệp bằng việc thu mua nông sản trên địa bàn. Đến năm 2012, nhận thấy tiềm năng từ “thủ phủ điều”, nguồn lao động địa phương dồi dào, cùng tinh thần chịu khó học hỏi, anh đã mạnh dạn sử dụng số tiền tích góp được để đầu tư mở xưởng điều thủ công chỉ với 5 bàn chẻ điều. Sau đó anh thuê nhân công tại địa phương để làm. Sau 2 năm, nhờ tiếp cận vốn vay ưu đãi tại địa phương, anh mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại hơn. Hiện nay, mỗi ngày xưởng của anh sản xuất và chế biến được từ 4 - 5 tấn hạt điều nhân để cung cấp cho đối tác. Hiện nay, cơ sở sản xuất và chế biến điều của anh Nguyễn Văn Thắng đã mở rộng gần 2.000 m2, được đầu tư máy móc hiện đại. Anh Nguyễn Văn Thắng phấn khởi cho biết sẽ đầu tư thêm máy móc để nâng công suất của xưởng mỗi ngày đạt từ 6 đến 7 tấn hạt điều. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ xưởng sản xuất và chế biến điều của gia đình anh lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay xưởng sản xuất và chế biến điều của anh Thắng đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động tại địa phương. Họ chủ yếu là lao động trẻ với thu nhập trung bình mỗi tháng từ 6 - 10 triệu đồng. Ngoài ra, trong xã Thanh Hòa, thanh niên nào có nhu cầu làm thêm anh Thắng cũng tạo điều kiện nhận vào làm trong các buổi tối, mùa mưa, trả tiền công theo giờ để họ tăng thêm thu nhập. Với tinh thần vượt khó vươn lên, anh Nguyễn Văn Thắng được các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, năm 2015, anh vinh dự được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Đình Của, là tấm gương sáng của thanh niên nông thôn về vượt khó làm giàu trên quê hương, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới. Phó Bí thư Đoàn thanh niên huyện Bù Đốp Tạ Minh Tâm cho biết: Nhiều năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Bù Đốp thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, cung cấp thông tin cần thiết cho đoàn viên thanh niên về khoa học công nghệ, cây giống con giống để họ nắm bắt được tốt hơn. Huyện đoàn cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, khởi nghiệp... Anh Nguyễn Văn Thắng là điển hình thanh niên khởi nghiệp tại địa phương, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, việc khởi nghiệp đối với thanh niên Bình Phước còn nhiều khó khăn, nhất là đối với thanh niên vùng biên. Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Thắng là "điểm sáng" để thanh niên địa phương học tập, noi theo. Hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có nhiều tấm gương, mô hình kinh tế khởi nghiệp hay trên địa bàn, Phó Bí thư Đoàn thanh niên huyện Bù Đốp Tạ Minh Tâm chia sẻ thêm.
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm