Bình Phước vài nét tổng quan

Bình Phước vài nét tổng quan
1. Vị trí địa lý
Bình Phước là tỉnh ở khu vực miền Đông Nam Bộ, phía Đông giáp 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm ĐồngĐồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia với chiều dài đường biên giới là 240 km; phía Bắc giáp tỉnh Krachê và Mundukini (Campuchia), phía Nam giáp tỉnh Bình Dương.


2. Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nên tỉnh có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.

Đất đai ở Bình Phước thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế rất cao như: tiêu, điều, cà phê, cao su…

Khí hậu

Khí hậu Bình Phước thuộc dạng nhiệt đới gió mùa ổn định, chia thành hai mùa trong năm (mùa mưa bắt đầu tư tháng 05 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu tù tháng 11 đến tháng 04 ), lượng mưa trung bình là 2.400mm/năm. Bình Phước hầu như không có lụt và bão lớn, nhiệt độ trung bình khoảng 26,5oC.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên ở Bình Phước là rừng với hệ sinh thái động- thực vật phong phú và đa dạng.

Rừng và đất rừng ở Bình Phước có khoảng 360.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Nơi đây tập trung rất nhiều loài gỗ quý như: cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, sao, bằng lăng… Nhiều loài cây cung cấp vật liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ như: song, mây, tre, lồ ô… Các loại củ lấy bột như: củ nần, củ mài, củ chụp, hạt gấm, hạt buông… Các loại rau rừng là loại thức ăn bổ dưỡng cho con người: lá nhíp, lá nhau, đọt mây, măng, tàu bay…

Rừng ở Bình Phước cũng là nơi cư trú và sinh sống vá của các loài động vật quý hiếm: voi, tê giác, trâu rừng, nai…

Rừng ở đây có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia điều hoà dòng chảy của các con sông lớn như: sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai…góp phần giảm lũ đột ngột đối với các tỉnh vùng hạ nguần và đảm bảo nguần sinh thuỷ trong mùa khô kiệt.

Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, tiêu... đã tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước. Hướng tập trung vào phát triển cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả nông nghiệp và đem lại thành công cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Công nghiệp của tỉnh cũng đang từng bước phát triển với nhiều dự án lớn; hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

3. Dân cư

Đây là nơi cư trú của nhiều dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ lớn, đa số là người S'Tiêng, một số ít là người Hoa, Khmer, Nùng, Tày...

4. Lịch sử hình thành và phát triển

Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, Bình Phước thuộc trấn Biên Hoà. Đến giữa thế kỉ XIX, sau khi đặt ách đô hộ tại lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã chia Nam Kỳ thành bốn khu vực: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bắt Xắc.

Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, Bình Phước thuộc trấn Biên Hoà. Đến giữa thế kỉ XIX, sau khi đặt ách đô hộ tại lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã chia Nam Kỳ thành bốn khu vực: Sài Gòn, Mỹ Tho,Vĩnh Long, Bắt Xắc. Bình Phước thuộc khu vực Sài Gòn, trong đó vùng đất phía Đông thuộc tiểu khu Biên Hoà, vùng đất phía Tây Nam và phía Nam thuộc tiểu khu Thủ Dầu Một. Năm 1889, thực dân Pháp đổi các tiểu khu thành các tỉnh, Bình Phước thuộc địa phận tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một, tồn tại cho đến sau Hiệp định Geneve 1954 mà không có sự thay đổi nào đáng kể.

Từ năm 1956, chính quyền Sài Gòn thiết lập một số tỉnh mới ở miền Nam. Trong đó, có hai tỉnh Bình Long và Phước Long là tiền thân của tỉnh Bình Phước ngày nay.

So với các vùng khác trên cả nước, Bình Phước được xem là một vùng đất trẻ. Nơi đây chỉ thực sự được coi là “thức tỉnh” kể từ khi thực dân Pháp đánh chiếm lục tỉnh Nam Kỳ (trong đó có vùng đất Bình Phước), thiết lập ách cai trị, xây dựng đồn điền cao su, thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa. Trước sự đàn áp, bóc lột và cai trị hà khắc của thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ, cư dân trên vùng đất Bình Phước không ngừng nổi dậy đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Người trước ngã, người sau nối bước, không sợ hy sinh, gian khổ, quân và dân Bình Phước đã ghi vào sử sách những dấu son chói lọi cùng với các địa danh không thể nào quên như Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Tà Thiết, sóc Bom Bo...

Ngày 30-01-1971, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Phân khu Bình Phước. Cuối 1972, Phân khu Bình Phước giải thể, tỉnh Bình Phước chính thức được thành lập.

Phước Long là tỉnh được giải phóng ở miền Nam đầu tiên vào ngày 06-01-1975 mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Bình Phước bước vào thời kỳ mới khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển Kinh tế - Văn hoá - Xã hội, ngày 02-07-1976 tại Kỳ họp thứ I Quốc hội khoá VI, Quốc Hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định thành lập tỉnh Sông Bé bao gồm Thủ Dầu Một, Bình Phước và 03 xã thuộc Thủ Đức (Tp.HCM), chia thành 07 huyện, thị và 01 thị xã.

Tháng 02/1978, huyện Bình Long được chia thành 02 huyện: Bình Long và Lộc Ninh. Năm 1988, huyện Phước Long chia thành 02 huyện: Phước Long và Bù Đăng.

Ngày 01-01-1997, tỉnh Bình Phước được tái lập gồm 05 huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé là: Đồng Phú, Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long và Bù Đăng.

Ngày 01-09-1999, Chính phủ ban hành Nghị định 90/1999/NĐ-CP thành lập thị xã Đồng Xoài. 

Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 11 huyện, thị với 3 thị xã là Đồng Xoài, Bình Long và Phước Long (riêng huyện Phú Riềng mới được thành lập theo Nghị quyết số 931/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-5-2015).

Ngày 20-02-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003 NĐ-CP thành lập huyện Chơn Thành và Bù Đốp, được tách ra từ hai huyện Bình Long và Lộc Ninh. Ngày 01-05-2003, hai huyện Chơn Thành và Bù Đốp chính thức đi vào hoạt động.

Sau ngày tái lập tỉnh 1/1/1997, từ xuất phát điểm rất thấp về kinh tế, Bình Phước ngày nay đang từng ngày đổi mới; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông thông suốt, kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh chóng, hình thành những khu công nghiệp; văn hóa - giáo dục phát triển vượt bậc, cộng đồng các dân tộc đoàn kết cùng phát triển... tạo nên một diện mạo xã hội mới. Các mặt hàng công nghiệp, nông sản của tỉnh như: cao su, hạt điều, hạt tiêu... đã vang danh trong nước cũng như ở các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, là tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và là nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số có trình độ dân trí, kỹ thuật sản xuất còn thấp, nên mặc dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, Bình Phước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

5. Tiềm năng văn hóa - du lịch

Là một tỉnh tái lập nhưng trong quá trình hình thành và phát triển, từ lâu Bình Phước đã được nhiều người biết đến là một vùng đất có nền văn hoá lâu đời. Nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện và nghiên cứu có niên đại các đây 2.000 năm như: đàn đá, thành đất cổ, các công cụ đá, gốm thuộc nền văn minh Óc Eo.

Tỉnh có nhiều di tích lịch sử của trung ương gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Phú Riềng Đỏ với phong trào nổi dậy và đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng trong cuộc kháng chiến chống pháp năm 1929-1930; chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của ngành cao su Việt Nam và các tỉnh miền Đông Nam được thành lập ngày 28-10-1929 ; nhà tù Bà Rá nằm giữa rừng thiêng nước độc mà thực dân pháp làm nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng yêu nước: Nhà giao tế Lộc Ninh là thủ phủ chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền Nam Việt Nam- nơi đón tiếp các Phái đoàn Liên hiệp Quân sự 4 bên, phái đoàn Quốc tế kiểm soát và giám sát thì hành Hiệp Định pari (1973); Khu Căn cứ Quân uỷ và Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết); Sóc Bom Bo với hình ảnh đồng bào S’tiêng ngày đêm giã gạo nuôi quân đánh giặc trong những năm 1965-1968 đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một hệ thống sông, suối tương đối nhiều, có giá trị phát triển kinh tế và phục vụ du lịch cũng như cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học, cung cấp nguần nước ngọt cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phiá Nam… Dòng sông Bé với nhà máy thuỷ điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng. Sông Sài Gòn với khu căn cứ Bộ chỉ huy Miền và hồ Dầu Tiếng. Dòng sông Đồng Nai với nhiều thác gềnh như: Tàn Sao, Công Viên, Sừng Trâu… đã, đang và sẽ là điểm hẹn của nhiều chương trình du lịch trong tương lai.

Nét đẹp của những danh thắng, di tích lịch sử văn hoá trên tỉnh Bình Phước đang hấp dẫn du khách từ các dịa phương trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, khám phá.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để thu hút các dòng khách từ các thị trường trên thì việc xác định các loại hình du lịch của Bình Phước cũng là việc làm quan trọng hàng đầu hiện nay. Theo đó, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thương mại cửa khẩu, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch caravan, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm… là những thế mạnh mà tỉnh Bình Phước cần tập trung khai thác để thu hút khách du lịch từ các thị trường mục tiêu.

Theo binhphuoc.gov.vn

Có thể bạn quan tâm