Là một xã vùng II với 62% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, Ayun bắt đầu xây dựng NTM từ xuất phát điểm thấp. “Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã huy động tất cả các ban, ngành, mặt trận và đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động toàn dân chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, chúng tôi đã huy động được sự đóng góp của nhân dân, người góp công, người góp của”-ông Lê Văn Lắm-Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết.
Cũng theo ông Lắm, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đến nay, chương trình xây dựng NTM đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Bà con rất nhiệt tình hiến đất và ngày công làm các công trình công cộng. Cụ thể, nhân dân trong xã đã hiến gần 3.000 m2 đất nông nghiệp và gần 100 cây cà phê trị giá hơn 100 triệu đồng; đóng góp hơn 6 ngàn ngày công làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và các công trình khác.
Cũng theo ông Lắm, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đến nay, chương trình xây dựng NTM đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Bà con rất nhiệt tình hiến đất và ngày công làm các công trình công cộng. Cụ thể, nhân dân trong xã đã hiến gần 3.000 m2 đất nông nghiệp và gần 100 cây cà phê trị giá hơn 100 triệu đồng; đóng góp hơn 6 ngàn ngày công làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và các công trình khác.
Bộ mặt nông thôn mới dần được thay đổi |
Bộ mặt NTM của xã Ayun đang dần khởi sắc với 13 tiêu chí đã đạt và được đánh giá là bền vững gồm: điện, thủy lợi, trường học, giáo dục, y tế, hình thức tổ chức sản xuất, nhà ở dân cư, quy hoạch và thực hiện quy hoạch, bưu điện, cơ cấu lao động, văn hóa và an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt, giáo dục, y tế, trường học được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Hiện nay, xã Ayun có đầy đủ các cấp học từ mầm non đến THCS.
Trường Tiểu học Ayun số 1 vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 với cơ sở vật chất đảm bảo, chất lượng giáo dục ngày càng đi lên, tạo được lòng tin của phụ huynh. Trường THCS Ayun đang được đầu tư xây dựng cơ sở mới nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã. “Hệ thống trường lớp được đầu tư, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên phần lớn nhờ sự quan tâm sâu sát và tâm huyết dành cho sự nghiệp giáo dục của cấp ủy và chính quyền địa phương. Những năm gần đây, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía lãnh đạo địa phương trong việc duy trì sĩ số học sinh và đầu tư cơ sở vật chất”-thầy Nguyễn Văn Tuyển-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ayun số 1 nói.
Cơ giới hóa trên những cánh đồng bất tận |
Ayun hôm nay đã thay da đổi thịt, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, nhà cửa được xây dựng kiên cố, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch đúng hướng, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được đầu tư nhân rộng. Dựa trên những cơ sở đó, xã quyết tâm nâng mức thu nhập bình quân đầu người/năm đạt hơn 29 triệu đồng để đến năm 2018 sẽ hoàn thành tiêu chí thu nhập, một trong những tiêu chí khó thực hiện tại các xã vùng sâu.
Tuy còn gặp một số khó khăn trong quá trình xây dựng 6 tiêu chí còn lại (môi trường, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo, hệ thống tổ chức chính trị xã hội) nhưng với nhiều giải pháp về nguồn vốn, xã Ayun tự tin sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào năm 2020. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Lắm cho biết thêm: “Ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ và lồng ghép các chương trình dự án như Chương trình 135, chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn thì chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhận được sự đóng góp của nhân dân; khuyến khích bà con vay và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp vốn để xây dựng chợ nông thôn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác cũng như vận động con em xã Ayun đang làm việc, sinh sống xa quê đóng góp xây dựng quê hương”.
Báo Điện tử Gia Lai